Ngày 21/2, bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho biết bệnh nhân nhập viện khi cơn đau đã diễn biến khoảng 10 ngày, đau liên tục và tăng lên khi đi lại vận động. Kết quả chụp chiếu tim cho thấy giảm tưới máu cơ tim và xơ hóa rải rác nhiều ổ vùng vách liên thất và thành dưới thất trái; giảm vận động và sức căng cơ tim nhiều vùng thất trái; chức năng tâm thu thất trái còn bảo tồn (chỉ số chức năng bơm máu của tim còn 52%).
Người bệnh cho biết cứ hễ ốm đau hay mệt mỏi là truyền đạm, từng cấp cứu sốc phản vệ do tự ý truyền đạm tại nhà.
Các bác sĩ kết luận bệnh nhân suy tim do viêm cơ tim sau sốc phản vệ, hội chẩn hướng điều trị phù hợp. Bác sĩ Minh cho biết tự ý truyền đạm tại nhà là thói quen rất nguy hiểm, đôi khi phải trả giá bằng tính mạng. Thực tế, tiêm truyền các loại dịch, trong đó có đạm, vào cơ thể phải có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ sẽ tính toán kỹ lưỡng lượng truyền bao nhiêu, thời gian chảy giọt truyền thích hợp.
"Tự ý truyền dịch mà không có ý kiến của bác sĩ, hoặc sai cách thì nguy cơ xảy ra tai biến rất cao như phù chỗ tiêm, đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch, dị ứng gây khó thở, đau ngực, sốc phản vệ, tử vong", bác sĩ Minh cho hay.
Sốc phản vệ là tình trạng y khoa vô cùng nghiêm trọng, có thể gây tắc đường thở, người bệnh không thở được. Đây là yếu tố khiến tim có thể ngừng đập do huyết áp giảm, tim không nhận đủ oxy. Nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm cho thấy các chất trung gian gây phản vệ dẫn đến tổn thương động mạch vành và cơ tim, đồng thời xảy ra nhiều hệ lụy cho tim mạch như sốc tim, loạn nhịp tim, suy tim, trụy tim, nhồi máu cơ tim.
Chuyên gia khuyến cáo khi có các dấu hiệu bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế để khám kịp thời và điều trị phù hợp. Trong các kỹ thuật chẩn đoán, chụp cộng hưởng từ được xem là "công cụ vàng" giúp chẩn đoán, phân loại và tiên lượng di chứng tổn thương tim sau sốc phản vệ.
Thúy Quỳnh