![]() |
Nuôi tôm trên cát ở miền Trung. |
Nước ta có hệ thống dày đặc sông, hồ, đầm phá, cửa sông, rừng ngập mặn..., là vùng nước có tiềm năng lớn cho nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Nhờ điều kiện thuận lợi này, ngành thủy sản đã phát triển nhanh chóng và trở thành ngành kinh tế chủ đạo, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 3 toàn quốc. Song việc đánh bắt ồ ạt trong những năm gần đây đã để lại hậu quả không nhỏ.
Báo cáo của TS Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường tại Hội thảo toàn quốc về KH & CN ngành Thủy sản diễn ra hôm qua tại Hà Nội, cho biết, trên 84% số tàu thuyền của Việt Nam tập trung khai thác ở vùng ven bờ, sử dụng các phương pháp đánh bắt có tính hủy diệt như chất nổ, hóa chất (cyanua), xung điện, ánh sáng quá mạnh... làm suy giảm số lượng sinh vật biển và môi trường sống của chúng.
Số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng và cạn kiệt ngày càng tăng. Trên 80% tổng lượng hải sản được đánh bắt ở vùng ven bờ, đây là dấu hiệu rõ ràng của tình trạng khai thác quá mức ở vùng này. Cả năng suất đánh bắt và kích cỡ của các loài cá đều bị giảm. Tỷ lệ các loài có giá trị cao như cá song, cá chim... giảm mạnh, thay vào đó là những loài cá tạp, cá kém chất lượng. Theo Viện tài nguyên thế giới (2002), 80% rạn san hô và cỏ biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó một nửa là rủi ro cao.
Một khảo sát năm 1999 cho thấy, các phương tiện đánh cá hủy diệt có mặt ở 21 trên 28 tỉnh ven biển, trong đó nặng nhất là Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... Cũng theo ông Nguyên, gần đây, đánh cá bằng chất nổ có giảm xuống nhưng việc sử dụng chất độc đang phổ biến hơn. Thực tế, nó tiêu diệt toàn bộ ấu trùng thủy sinh vật và giết chết các tập đoàn san hô tiếp xúc phải. Không những thế, sự tích lũy độc tố còn gây suy thoái môi trường và nguy hiểm cho người khi ăn phải. Hậu quả của kiểu khai thác này tác động tới toàn bộ hệ sinh thái. Vậy nhưng một số nhà quản lý và ngư dân cho rằng cyanua chỉ làm mê cá mà không giết chết các sinh vật khác.
Nuôi trồng thủy sản được xem là giải pháp nhằm giảm bớt sức ép từ việc khai thác. Song do sự thiếu quy hoạch và phát triển tự phát, phương thức nuôi trồng chủ yếu vẫn quảng canh, nên làm thu hẹp các diện tích đất ngập nước ven bờ. Ông Nguyên cho biết, nghề nuôi tôm hùm, cá biển bằng lồng phát triển rộng rãi ở nhiều nơi (như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Quảng Bình, Ninh Thuận) đã làm ô nhiễm môi trường do nước thải chưa xử lý cùng thức ăn thừa đổ thẳng ra vùng nước. Các rừng ngập mặn và các bãi triều đang liên tục bị phá hủy để lấy đất nuôi tôm, ngao, sò và cua. Sự phá hủy rừng không chỉ làm ảnh hưởng đến hệ động vật hoang dã nơi đây, mà còn làm mất cân bằng khu hệ thực vật ven biển, từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Bộ Trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc thừa nhận: "Đã có lúc việc chặt phá rừng ngập mặn để nuôi tôm rất nặng nề, nhất là giai đoạn 1994-1995, bây giờ đã đỡ hơn. Trong báo cáo về môi trường vài ba năm trước đây, có nhà khoa học từng nói rằng diện tích bồi ra biển nhanh hơn diện tích con người sử dụng, nhưng giờ đây xu hướng này đang bị đảo ngược, nghĩa là con người đã khai thác đất bồi ven biển nhanh hơn diện tích nó được tạo ra. Đây là điều đáng báo động, nhất là tại những vùng có rừng ngập mặn".
Ông Ngọc nhận xét, có những vấn đề trước đây chủ trương rất hay, nhưng do quản lý không tốt đã dẫn đến mặt trái, như việc nuôi tôm trên cát (ở miền Trung). "Vùng cát gần biển thiếu nước ngọt, nhưng lại luôn cần nước ngọt. Vấn đề môi trường đặt ra ở đây là nước ngầm. Trong khi chưa có điều kiện để làm thủy lợi hoặc các công trình hạ tầng để đưa nước ngọt từ nơi khác đến, việc nuôi tôm tập trung ở một số vùng đất cát ven biển càng làm nước ngầm suy giảm, cả về chất lượng và số lượng. Hay như một số vùng, chúng ta bỏ ra rất nhiều công để trồng phi lao chắn cát, thì một số nơi lại phá bỏ phi lao".
Theo Bộ trưởng, với khoảng 1 triệu ha nuôi trồng thủy sản hiện nay trên cả nước, trong đó có gần 450.000 ha nuôi tôm, cần có chính sách để bảo vệ môi trường mang tầm quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Thuận An