Năm 2008, khi giá dầu đạt mức 140 USD một thùng, nhiều nhà phân tích và chuyên gia trong ngành dự đoán giá sẽ chạm đỉnh 200 USD. Tình hình hiện nay đang đi theo chiều hướng ngược lại. Chỉ trong 6 tháng, giá giảm 40%, mỗi thùng dầu Brent giao dịch tại 65,4 USD và dầu thô là 62,5 USD, chạm đáy 5 năm.
Thông thường, giá dầu giảm do nhu cầu đi xuống khi nền kinh tế toàn cầu dậm chân tại chỗ và người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, không chi tiền vào những thứ không thật sự cần thiết.
Nhưng lần này lại khác. Giá dầu lao dốc vì nguồn cung dư thừa, chủ yếu do sản xuất bùng nổ tại Mỹ. Còn Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định vẫn giữ nguyên mục tiêu sản lượng để đua thị phần với Mỹ. Thế giới đang tràn ngập dầu mỏ. Và cho tới khi cung cầu cân bằng trở lại, giá sẽ vẫn ở mức thấp và thậm chí còn thấp hơn.
Hôm qua, Morgan Stanley đã giảm dự báo giá dầu Brent cho 4 năm tới. Theo kịch bản tệ nhất, ngân hàng này cho rằng giá sẽ rơi xuống 43 USD quý II năm tới và phục hồi nhẹ lên 48 USD quý sau đó.
Liệu giá dầu sẽ tụt xuống mức 40 USD? 24/7 Wall Street cho rằng nếu Ảrập Xêút và các nước OPEC vẫn tiếp tục chính sách đua tranh hiện tại, giá hoàn toàn có thể giảm tới mức đó.
Lần gần đây nhất là vào đầu những năm 1980. Khi giá dầu lao dốc, Ảrập Xêút cũng quyết định ra tay giành thị phần chứ không chịu giảm sản xuất để nâng giá. Khi đó, giá dầu thô giảm kỷ lục xuống còn khoảng 12 USD một thùng (khoảng 31 USD hiện tại). Đà giảm đó đã giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Số tiền tiết kiệm được nhờ giá xăng dầu giảm đã được chi tiêu vào các mặt hàng khác.
Còn hiện nay, giá dầu giảm sẽ khiến kinh tế đi xuống. Vì khi đó, động lực cho các công ty tìm kiếm thêm mỏ dầu mới sẽ suy yếu. Trừ phi kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh trở lại, nhu cầu năng lượng sẽ vẫn ở mức thấp.
Theo Schlumberger, năm 2014, các công ty chỉ thăm dò được 3 tỷ thùng dầu tái sinh và khí ngưng tụ. Đây là mức thấp nhất trong 25 năm qua. Điều này cho thấy trong năm tới, chúng ta cần phải thăm dò thêm nhiều mỏ dầu. Nhưng hầu hết các kế hoạch ngân sách của doanh nghiệp trong năm 2015 đều kêu gọi giảm chi.
Các hãng dầu mỏ không tiết lộ chi phí sản xuất một thùng dầu từ đá phiến ở North Dakota, nhưng theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đa số các công ty khai thác lãi 42 USD một thùng. Lợi nhuận vốn đã không nhiều, nên nếu còn tiếp tục co lại, các hãng dầu sẽ phải giảm chi cho việc thăm dò để có thể trả cổ tức và mua lại cổ phiểu nhằm làm hài lòng nhà đầu tư. Lãnh đạo các hãng dầu không muốn đi vào vết xe đổ của các công ty khai thác kim loại quý, than đá và quặng sắt.
Việc giá dầu xuống mức 40 USD một thùng là hoàn toàn có thể. Khi đó, kinh tế toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn dự đoán. Và nếu ở mức này lâu, cả thế giới sẽ rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, Morgan Stanley cho rằng về dài hạn, đà giảm của dầu sẽ tự ghìm lại. "Giá giảm sẽ kiềm chế đầu tư, tăng khả năng OPEC can thiệp hoặc thậm chí đóng cửa nhiều giếng dầu. Theo dự đoán của chúng tôi, hoạt động khai thác – sản xuất sẽ chậm lại đáng kể, và nếu động thái can thiệp đủ nhanh và quy mô rộng, giá có thể bật lên ngay từ nửa cuối năm sau", báo cáo cho biết.
|
Thanh Tuyền