![]() |
Lọc màng bụng dễ thực hiện tại nhà hơn so với thận nhân tạo. |
Phương pháp lọc máu ngoài thận được chỉ định trong hai trường hợp:
- Suy thận mạn: Đây là tổn thương tiến triển từ từ, nặng dần, không hồi phục của đơn vị lọc thận (tức các cầu thận). Mức độ suy thận được đánh giá dựa vào hệ số thanh thải creatinin, tức số ml huyết tương đã được lọc hoàn toàn chất độc trong 1 phút. Lọc máu ngoài thận được thực hiện khi hệ số thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút.
- Suy thận cấp: Là trường hợp thận tạm thời mất khả năng lọc máu một cách đột ngột. Đây có thể là hậu quả của việc giảm thể tích máu trầm trọng (chảy máu hoặc mất nước nặng), tổn thương mô thận (do nhiễm độc, dị ứng hoặc nhiễm khuẩn), sỏi hoặc u ở thận và niệu quản. Tùy theo mức độ suy thận mà việc lọc máu được tiến hành trong vài ngày hay vài tuần, cho đến khi thận hoạt động bình thường trở lại.
Nguyên tắc của phương pháp lọc máu ngoài thận là cho máu bệnh nhân tiếp xúc với một chất dịch nhân tạo qua màng bán thấm, chỉ để nước và những chất có kích thước rất nhỏ lọt qua màng đó. Nhờ hiện tượng khuếch tán, các chất độc trong máu sẽ đi sang phía dịch nhân tạo qua màng này.
Có hai cách lọc máu ngoài thận: thận nhân tạo và lọc màng bụng:
- Thận nhân tạo: Cho máu bệnh nhân chảy vào những ống dẫn của máy lọc thận. Máu sẽ tiếp xúc với chất dịch do máy sản xuất qua một màng nhân tạo. Sau khi được lọc hết chất độc, máu lại được tiêm trả lại cho bệnh nhân. Máy lọc cũng tự động rút khỏi cơ thể một lượng nước nhất định. Mỗi lần chạy thận kéo dài 4-5 giờ. Nếu suy thận mạn, bệnh nhân phải lọc máu 3 lần mỗi tuần.
- Lọc màng bụng: Dùng ngay màng bụng của bệnh nhân để lọc. Bệnh nhân được bơm một chất dịch tự nhiên qua ống thông vào ổ bụng (ống thông đã được cố định vĩnh viễn vào thành bụng). Cứ 30 phút một lần, bơm dịch vào ổ bụng rồi hút dịch ra bằng máy.
Có thể lọc liên tục ngoại trú hoặc gián đoạn. Lọc màng bụng liên tục ngoại trú chỉ dùng để điều trị suy thận mạn tính, được thực hiện hằng ngày, mỗi lần 4 giờ. Lọc màng bụng gián đoạn có thể áp dụng cho một số trường hợp suy thận cấp, thực hiện 3 lần/tuần, mỗi lần 12 giờ.
Nếu có điều kiện, bệnh nhân có thể lọc máu ngoài thận tại nhà. Muốn thế, nhà cửa phải rộng rãi để chứa được các máy móc, dụng cụ; bệnh nhân và người nhà phải được huấn luyện để nắm vững kỹ thuật lọc máu nhân tạo. Thời gian huấn luyện kéo dài 2-3 tháng (đối với chạy thận nhân tạo) hoặc 8-15 ngày (đối với kỹ thuật lọc màng bụng).
GS Phạm Gia Cường, Khoa Học & Đời Sống