Người đàn ông mắc bệnh này hơn 10 năm, đã tháo khớp chân phải do nhiễm trùng hoạt tử khớp, ít đi thăm khám, điều trị bệnh. Một tháng trước, ông bị vỡ hạt tophi ở bắp tay trái, tự đi chích rạch mủ, làm sạch vết thương. Sau đó, vùng chích rạch bị sưng đau, chảy dịch mủ, có mùi hôi, các ngón tay và chân đau không thể cử động được, gia đình đưa ông đi kiểm tra.
Hạt tophi hay nốt tophi là tập hợp những tinh thể của hợp chất sodium urate monohydrate, kết tủa trong mô liên kết, tăng dần trong nhiều năm, lắng đọng tại các vị trí khớp xương và phần mềm quanh khớp.Sự xuất hiện của các nốt tophi dưới da có thể xem là dấu hiệu cho thấy bệnh gout trở nặng.
Ngày 4/7, bác sĩ Nguyễn Thị Tươi, Phó Trưởng khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, cho biết bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng và suy giảm chức năng thận. "Đây chính là hậu quả của việc điều trị bệnh gout không đúng dẫn đến biến chứng suy thận, nhiễm trùng các hạt tophi, nguy cơ nhiễm trùng huyết", bác sĩ nói.
Bác sĩ chỉ định dùng thuốc, vệ sinh vết loét, thay băng hàng ngày kết hợp ăn uống theo chế độ dành riêng cho người bệnh gout. Sau ba ngày điều trị, người đàn ông bớt đau, tình trạng sưng đỏ tại các khớp cũng được cải thiện, vết loét khuỷu tay khô dịch.
Theo bác sĩ, hầu hết người bệnh mắc bệnh gout thường xem nhẹ tình trạng bệnh nên đi khám muộn. Bệnh gout không được điều trị đúng dẫn đến tổn thương nặng nề ở khớp, làm giảm và mất chức năng vận động, thậm chí gây sỏi thận, lâu dài dẫn đến suy thận.
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi có các triệu chứng sưng đau các khớp cần chủ động đến các cơ sở y tế thăm khám, phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh nhân cần kiên trì tuân thủ phác đồ phối hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học nhằm kiểm soát các triệu chứng và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Thùy An