Bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn cấp cứu với khoảng 20 nốt ong đốt trên đầu; vùng lưng, cánh tay, hai bên chân có khoảng 30 vết đốt, kích thước 2 mm, xung quanh sưng nề.
Ngày 25/7, các bác sĩ khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và chống độc chẩn đoán bệnh nhân bị ong đốt biến chứng suy thận, phải bù dịch, truyền điện giải tích cực. Sau 24 giờ điều trị, người bệnh tiểu tiện bình thường, tiếp tục được theo dõi. 4 ngày sau sức khỏe người bệnh tạm thời ổn định.
Ong đốt là một trong những tai nạn thường xảy ra, đặc biệt ở những nơi có nhiều cây cối, bụi rậm xung quanh. Khi bị ong đốt, nên nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặt nằm yên, tránh cử động nhiều. Dùng dụng cụ chuyên dụng lấy ngòi chích của ong ra. Tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy ngòi vì túi độc có thể sẽ vỡ, làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể. Rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát trùng, sau đó đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để làm giảm đau và giảm sưng.
Bác sĩ khuyến cáo không được xem nhẹ khi bị ong đốt vì nọc độc của chúng khi tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ dẫn tới suy đa tạng, nguy hiểm tính mạng. Khi bị ong đốt và có những biểu hiện như đau nhức nhiều, sưng phù toàn thân, lơ mơ, khó thở, buồn nôn, tiểu ra máu... cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thùy An