Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn khắc họa bản thân là người bảo vệ sự ổn định toàn cầu, lãnh đạo một quốc gia hùng mạnh mang đến giải pháp kinh tế, quân sự và văn hóa đối trọng với phương Tây.
Tuy nhiên, tầm nhìn của ông đang đối diện một thách thức. Dân số Nga đã suy giảm trong nhiều năm và cuộc chiến hao người tốn của kéo dài ở Ukraine càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Moskva không công bố con số thương vong trong chiến sự, song theo số liệu từ phương Tây, ít nhất 150.000 lính Nga đã thiệt mạng trên chiến trường Ukraine. Không chỉ gây ra tổn thất về nhân mạng, chiến sự còn khiến gần một triệu người Nga rời khỏi đất nước, chủ yếu là nam giới, để né tránh lệnh động viên một phần được Tổng thống Putin ban bố.
Số trẻ sinh ra đang ở mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ, giảm mạnh hơn mức trung bình ở một số khu vực gần nơi nổ ra chiến sự.
Tổng thống Nga mô tả việc nâng cao tỷ lệ sinh là ưu tiên quốc gia. Ông tuyên bố 2024 là "năm của gia đình" và ban hành các khoản trợ cấp cho những người có từ ba con trở lên, chi tới 157 tỷ USD cho các biện pháp hỗ trợ gia đình và trẻ em trong 6 năm tới. Ông nhấn mạnh bản thân xã hội Nga cần thay đổi, với việc các gia đình đông con trở nên phổ biến hơn.
"Làm mẹ là thiên chức cao cả của phụ nữ", Tổng thống Putin nói trong bài phát biểu nhân ngày Quốc tế Phụ nữ hồi tháng 3. "Gia đình là điều quan trọng nhất đối với mọi phụ nữ, bất kể cô ấy chọn con đường sự nghiệp nào hay đạt được đỉnh cao nghề nghiệp ra sao".
Lần tăng dân số lớn nhất của Nga trong những năm gần đây là khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, khiến dân số tăng thêm khoảng 2,4 triệu người.
Theo Nicholas Eberstadt, nhà kinh tế chính trị tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, đà suy giảm dân số, đặc biệt là những người trong độ tuổi lao động, và tình trạng chảy máu chất xám đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học với Nga.
"Việc mất đi nguồn nhân lực đó sẽ làm tổn hại đến tương lai kinh tế Nga", ông nói.
"Nhân khẩu học thực sự là một vấn đề rất cấp bách", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận. "Các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ sinh là ưu tiên hàng đầu đối với chính phủ và Tổng thống. Hầu hết phương hướng phát triển của đất nước đều hướng tới mục tiêu này".
Ông cho biết nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề là tỷ lệ sinh giảm trong Thế chiến II và Liên Xô tan rã vào những năm 1990. Dù vậy, chính phủ đã đạt được một số thành công trong quá khứ với các chương trình thúc đẩy tỷ lệ sinh.
Liên Xô từng có dân số lớn thứ ba thế giới. Giữa những biến động kinh tế, xã hội diễn ra sau khi Liên Xô tan rã, ngày càng nhiều người Nga thiệt mạng vì bệnh tật, tai nạn giao thông, tự tử và các nguyên nhân khác, thường liên quan đến việc uống rượu. Phụ nữ Nga cũng ít sinh con hơn.
Năm 2003, tuổi thọ trung bình của người Nga đã giảm từ mức 69 tuổi vào năm 1990 xuống còn khoảng 65 tuổi, thấp hơn đáng kể so với nhiều nước phương Tây vào thời điểm đó. Theo dữ liệu từ Liên Hợp Quốc, nền kinh tế Nga ổn định hơn, cùng với các chính sách hạn chế mua bán rượu và các chiến dịch chống hút thuốc đã giúp đẩy tuổi thọ trung bình của Nga lên khoảng 70 vào năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn hầu hết các nước phát triển. Mỹ có tuổi thọ trung bình khoảng 78. Estonia, nước cộng hòa thuộc Liên Xô, có tuổi thọ trung bình là 79.
Khi đại dịch Covid-19 ập đến, Nga là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Theo nhà nhân khẩu học Alexey Raksha, người đã bị chính phủ Nga sa thải vào năm 2020 sau khi tiết lộ việc số liệu thống kê về Covid-19 không đầy đủ, từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2022, khoảng 1,12 triệu người Nga đã chết vì Covid-19 và các hậu quả sức khỏe của nó.
Số người chết tương đương Mỹ, dù dân số Nga chưa bằng một nửa.
Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, Nga hiện có khoảng 146 triệu người, xếp thứ 9 toàn cầu. Con số trên vẫn lớn hơn nhiều so với Ukraine, nơi dân số trước chiến sự khoảng 44 triệu người và phải đối mặt với hàng loạt thách thức nhân khẩu học tương tự.
Giới chuyên gia cho biết không giống như nhiều nước phương Tây, Nga không thu hút được số lượng lớn người nhập cư đủ để bù đắp cho dân số già và tỷ lệ sinh giảm. Dân số Nga, giống như Nhật Bản và một số quốc gia khác, dự kiến tiếp tục giảm trong phần còn lại của thế kỷ này.
Dân số Nga đã thiếu lại càng thiếu khi chiến sự nổ ra. Theo Re: Russia, nhóm nghiên cứu và phân tích dựa trên tính toán dữ liệu di cư, khoảng 920.000 công dân Nga đã rời khỏi đất nước tính đến tháng 7/2023.
Một số đã hồi hương, song nhiều người định cư ở nước ngoài đều là những chuyên gia được đào tạo về công nghệ thông tin và các lĩnh vực quan trọng khác. Thống kê từ Nga đưa ra số lượng người di cư năm 2022 là khoảng 668.000 người, cao nhất kể từ năm 1992, và khoảng 450.000 người vào năm 2023.
Hậu quả dễ thấy nhất là tình trạng thiếu lao động để đáp ứng nhu cầu của chiến trường. Ông Putin đã định hướng lại phần lớn nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh sản xuất quân sự. Ông năm ngoái cho biết việc thiếu công nhân có tay nghề cao đang cản trở hoạt động này.
Khoảng 47% công ty sản xuất báo cáo tình trạng thiếu nhân công trong tháng một, cao nhất kể từ năm 1996, theo cuộc khảo sát do Viện Chính sách Kinh tế Gaidar của Nga thực hiện.
Viện Hàn lâm Khoa học Nga hồi tháng 12 năm ngoái ước tính đất nước đang thiếu 4,8 triệu công nhân. Ngân hàng Trung ương Nga cho hay tình trạng thiếu hụt nhân lực đặc biệt nghiêm trọng ở các lĩnh vực sản xuất, vận tải, hậu cần và xây dựng.
Các nhà nhân khẩu học Nga lo ngại xung đột có thể một lần nữa gây ra cái gọi là "chết vì tuyệt vọng" do các bệnh liên quan đến rượu và các nguyên nhân khác.
Rượu và ma túy từ lâu đã là vấn nạn ở Nga. Trong một cuộc họp trên truyền hình năm 2022, Tổng thống Putin nói với mẹ một người lính thiệt mạng ở Ukraine rằng chết trên chiến trường còn vinh quang hơn chết vì nghiện rượu.
"Với một số người, còn sống hay không thì chưa rõ. Không rõ tại sao họ chết, vì vodka hay vì thứ gì khác. Nhưng con trai bà đã đạt được mục tiêu của mình", ông nói.
Nga có giải được bài toán dân số hay không sẽ phụ thuộc vào độ dài và quy mô của cuộc xung đột, giới quan sát đánh giá.
Tatiana Mikhailova, phó giáo sư kinh tế tại Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, nhận xét khoản đầu tư lớn của Tổng thống Putin vào sản xuất vũ khí đã tạo ra nhiều việc làm và giúp tăng lương, nhưng cú hích đó có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai và "bất kỳ sự sụt giảm nào về mức sống đều ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh".
Theo thống kê của chính phủ, khoảng 1,26 triệu trẻ em được sinh ra ở Nga vào năm 2023, mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ. Raksha, người phân tích dữ liệu quốc gia và khu vực, ước tính tỷ lệ sinh tổng thể của Nga, số con của mỗi phụ nữ trong suốt cuộc đời, vẫn không đổi kể từ năm 2022.
Những cuộc khủng hoảng trong quá khứ của Nga vẫn tiếp tục ảnh hưởng qua nhiều thế hệ. Raksha cho hay dân số suy giảm sau khi Liên Xô tan rã đồng nghĩa với việc ngày nay có ít phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hơn. Số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản dự kiến giảm 40% vào năm 2030 so với năm 2010.
Vấn đề kinh tế thực sự là nỗi lo lớn ảnh hưởng tới quyết định sinh nở của Maria, luật sư 34 tuổi ở thành phố Novosibirsk, vùng Siberia thuộc Nga. Cô đã có một cậu con trai 6 tuổi.
"Tôi thực sự muốn có con thứ hai", cô nói. Nhưng giá cả đang tăng cao trong khi thu nhập thực tế không tăng. Các cuộc khám sàng lọc chuẩn bị cho việc mang thai đã tốn khoảng 890 USD, cô tính toán gần đây.
"Không có sự ổn định, không có niềm tin vào tương lai để bình tĩnh lên kế hoạch cho con cái, mặc dù tôi rất muốn được làm mẹ một lần nữa", cô cho hay.
Số ca sinh trên toàn quốc tiếp tục đi xuống trong năm nay, giảm 3,5% trong khoảng thời gian từ tháng một đến tháng ba so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Rosstat, tỉnh Belgorod, giáp biên giới Ukraine và bị ảnh hưởng bởi giao tranh, ghi nhận mức giảm số ca sinh lên tới 10,2%.
Một số khu vực khác giáp biên giới Ukraine, cùng bán đảo Crimea, cũng có tỷ lệ sinh giảm nhiều hơn mức trung bình toàn quốc. Bryansk, khu vực từng hứng chịu những cuộc xâm nhập và tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) từ Ukraine vào các cơ sở dầu mỏ, chứng kiến mức giảm 8,2%.
Nhà nhân khẩu học Nga Igor Efremov cho biết ở một số tỉnh, tỷ lệ sinh đang giảm nhanh hơn trước đây do việc huy động hàng trăm nghìn thanh niên tham gia chiến trường từ tháng 9/2022.
Dữ liệu được thu thập bởi FilterLabs.AI, công ty có trụ sở tại Mỹ chuyên phân tích các trang web tin tức, trang web địa phương, diễn đàn trực tuyến và ứng dụng nhắn tin nhóm ở nhiều quốc gia, cho thấy quan điểm ở Nga về việc sinh con đã thay đổi.
"Trong suốt năm 2023, chúng tôi nhận thấy mọi người nói nhiều hơn về việc hoãn lập gia đình", Jonathan Teubner, giám đốc điều hành công ty, cho hay.
Theo yêu cầu của chính quyền, các phòng khám tư nhân ở một số khu vực, trong đó có Crimea, đã ngừng thực hiện thủ thuật phá thai. Hạ viện Nga đang xem xét lệnh cấm phá thai trên toàn quốc tại các phòng khám tư nhân. Tổng thống Putin gọi việc phá thai là một "vấn đề cấp bách". Nhưng "các quyền và tự do của phụ nữ cũng phải được tôn trọng", ông nói hồi tháng 12/2023 và cho rằng lệnh cấm phá thai có thể phản tác dụng.
Thượng nghị sĩ Nga Margarita Pavlova năm ngoái còn đề xuất rằng chính phủ nên khuyến khích phụ nữ trẻ sinh con thay vì học cao hơn. "Có lẽ tất cả các cơ quan chức năng đều thấy rõ rằng chúng ta đang ở ngưỡng cửa của một mùa đông nhân khẩu học", bà nói.
Salavat Abylkalikov hiểu rõ vấn đề dân số Nga hơn ai hết. Nhà nhân khẩu học 37 tuổi cho biết tất cả các vấn đề mà Nga phải đối mặt trước đây như tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ nhập cư thấp và tuổi thọ trung bình giảm sút, sẽ trở nên trầm trọng hơn do chiến sự.
Ông cũng nhìn thấy nó trong cuộc sống của chính mình. Người vợ 33 tuổi của Abylkalikov mang thai vào giữa tháng 2/2022, ngay trước khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine. Vào thời điểm đó, họ cảm thấy rằng mặc dù có một số bất ổn, "dường như cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn", ông nói.
Khi giao tranh nổ ra, họ quyết định sẽ rời Nga ngay khi con gái chào đời. Con gái Diana của ông mới được một tuổi rưỡi và gia đình đã chuyển đến Anh vào năm ngoái.
Ông và vợ đang dự tính sinh đứa con thứ hai ở nước ngoài, "nhưng chỉ khi chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của mình", Abylkalikov nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Reuters, AFP)