Bài viết thể hiện quan điểm của một luật sư, phản bác ý kiến cho rằng trong ba người đã chết có một người là thủ phạm. Và rằng người được coi là “thủ phạm” đã chết thì không cần phải khởi tố vụ án. Chúng tôi cương quyết bảo vệ lập luận, chưa xét xử thì không được gọi ai là “thủ phạm”.
Bài báo nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả. Ngoài nội dung, nhiều người cũng bày tỏ sự tán thành khi chúng tôi quyết định gọi người bị coi là hung thủ kia là “ông” - như cách gọi một nhân vật bình thường nào khác.
Tôi đã bất ngờ. Tôi tưởng rằng đó là một cách tư duy hết sức căn bản và hiển nhiên. Toà chưa tuyên án là chưa có tội.
Trong luật tố tụng hình sự hiện hành, một nguyên tắc mang tính đặc thù là “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Nguyên tắc đó có thể được hiểu là suy đoán vô tội nhằm bảo vệ quyền con người cũng như sinh ra một “sự hoài nghi có lợi cho bị cáo”.
Đây là nguyên tắc kế thừa từ Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp. Hay Bản tuyên ngôn chung về quyền con người của Liên Hiệp Quốc năm 1948 cũng quy định: “Mỗi một người bị buộc tội trong việc thực hiện hành vi phạm tội có quyền được coi là không có tội cho đến khi sự có tội của anh ta còn chưa được xác định theo thủ tục pháp luật bằng con đường xét xử công khai”.
Nhưng trước khi xuất hiện một bản án có hiệu lực thì đã có nhiều “bản án” được tuyên đanh thép bởi sự chủ quan của đám đông và cả những người có trách nhiệm.
Gần đây nhất, tôi chứng kiến một màn kết tội đáng sợ dành cho Thiện - một cậu học sinh cấp 3 tại Đăk Lăk. Va chạm giao thông với một người già, em đưa cụ đến bệnh viện, để rồi trở thành “thủ phạm” khiến ông cụ liệt nửa người. Bệnh viện kết luận rằng cụ bị vỡ mạch máu não trước khi ngã vào em Thiện, không liên quan đến tai nạn giao thông, nhưng em bị đối xử như thủ phạm, thậm chí bị công an tới bắt ngay tại trường học như một đối tượng nguy hiểm.
Những câu chuyện tôi vừa kể là các bản án của dư luận, của định kiến. Nhưng tôi cho rằng nó đồng dạng tâm lý với nhiều cuộc hỏi cung, cuộc điều tra mà trong đó các bên hữu trách tìm mọi cách để kết tội bị can. Trong những oan ức kiểu Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, dễ dàng nhận thấy những chi tiết trong đó điều tra viên đã tự kết luận và chỉ còn tìm cách để “hung thủ” trước mặt mình nhận tội. Họ cũng không hề tư duy theo phương pháp suy đoán vô tội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý từng tuyên bố rằng trong thực tế tố tụng có tình trạng “ngay từ đầu đã xác định họ có tội để thu thập chứng cứ buộc tội họ”. Còn bà Lê Thị Thu Ba, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương thì nói về một thực tế "nhiều khi lỡ bắt rồi nên vẫn cố chứng minh để xử một tội cho tương xứng”.
Ông Nguyễn Hòa Bình, khi còn là Viện trưởng VKSND Tối cao, cũng đã nhấn mạnh rằng: “Mọi hoài nghi về tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thể làm sáng tỏ theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì phải xử lý theo hướng có lợi cho họ”.
Tâm lý “suy đoán bất lợi” cho bị can, nếu của một điều tra viên, của một quan tòa, sẽ tạo ra một bản án không công bằng. Dư luận phản ứng rất mạnh sau những bản án như thế. Nhưng không nhiều người trong chúng ta nhận ra rằng cái tâm lý ấy được nuôi dưỡng ngay từ chính đám đông những người bình thường. Hơn một doanh nghiệp đã thua lỗ lao đao, hơn một con người đã mất đi cả cuộc đời vì “bia miệng”.
Suy đoán vô tội không phải là tư tưởng mới. Nhưng nó cũng chưa bao giờ cũ khi mà những người chưa được xét xử vẫn còn bị gọi là “thủ phạm”. Chính cách gọi chủ quan ấy, sự kết tội bằng bia miệng ấy, từ dư luận, có thể tạo ra áp lực phải “tìm ra tội” cho cơ quan tố tụng và tạo ra những bi kịch oan sai.
Trần Anh Tú