Ảnh: 4.bp.blogspot. |
Thạc sĩ Khắc Hiếu (Khoa Giáo dục tâm lý - ĐH Sư phạm TP HCM) cho biết những người mắc phải chứng bệnh trên không nhận thức được một cách chính xác về cảm xúc của bản thân. Từ đó họ cũng không biết diễn đạt cảm xúc như thế nào. Hoặc biết, nhưng họ không biết cách thể hiện cảm xúc đó.
Hội chứng này do nhiều nguyên nhân:
Yếu tố sinh lý (bẩm sinh)
- Trong giai đoạn mang thai, cơ thể người mẹ bị nhiễm một số chất độc (từ thuốc lá, rượu bia...), làm tổn thương và ảnh hưởng đến não của bào thai. Từ đó, hệ thần kinh của trẻ phát triển không bình thường, cảm xúc không ổn định.
- Do hệ thần kinh chi phối đến tính cách. Thông thường sẽ có bốn khí chất, mỗi người sẽ có một kiểu khí chất riêng. Đó là tính nóng (những người hay "ăn to nói lớn", hành động bạo dạn, rất dễ nổi nóng), tính linh hoạt (dạng người sôi nổi, hoạt bát và mưu mẹo), tính trầm (người hay ưu tư, mơ mộng, sống nội tâm và rất dễ bị tổn thương), tính lạnh (người điềm tĩnh, lạnh lùng, ít thể hiện cảm xúc).
Những người mang khí chất "lạnh" rất khó biết được họ đang nghĩ gì, đang có cảm xúc gì. Hội chứng "nghèo nàn" về cảm xúc cũng bắt đầu từ đó. Điều này được lý giải như sau, trong cảm xúc của họ, sự hưng phấn thấp nhưng ức chế lại mạnh, dẫn đến việc kìm nén vào bên trong - tình cảm khó biểu hiện ra bên ngoài. Lâu dần, những "bệnh nhân" này sẽ bị "trơ" so với mọi thứ xung quanh.
Yếu tố tâm lý
- Do giáo dục và sự rèn luyện. Nhiều bố mẹ dạy con không nên biểu hiện một cách thái quá trước mọi việc. Điều này, vô hình trung đã dựng lên "hàng rào" ngăn cách sự giải phóng cảm xúc của con người với sự việc bên ngoài. Lâu dần hình thành nên tính cách mà chính người trong cuộc không ý thức được.
- Do hoạt động cá nhân và cú sốc tâm lý. Một đứa trẻ thường xuyên bị ghẻ lạnh, đánh đập và mắng chửi, ban đầu, nó có thể sợ hãi, buồn tủi và khóc lóc. Nhưng nếu hành động ấy diễn ra liên tục với tần suất cao sẽ dẫn đến tình trạng "chai lì cảm xúc".
- Một người từng thất bại trong tình yêu, họ phải chịu đựng một cú sốc tình cảm quá lớn. Cảm giác sợ và chán với cảm xúc yêu đương nhanh chóng xuất hiện. Họ thận trọng trong việc bày tỏ xúc cảm bản thân, rất khó để ai đó có thể "bước vào" thế giới nội tâm của họ. Họ sẽ chìm sâu vào cảm giác chai sạn này nếu không được "đánh thức" kịp thời.
Vậy, làm thế nào để cải thiện tình trạng "không diễn đạt được xúc cảm"? Nếu là do bệnh lý (bẩm sinh): Trước hết, phải giúp bệnh nhân nhận biết cảm xúc. Chẳng hạn, một khuôn mặt vui là sao, hay một khuôn mặt buồn trông như thế nào... bằng cách cho họ xem tranh ảnh, xem phim, làm mẫu hoặc tạo ra những tình huống buộc họ phải thể hiện những cảm xúc đó.
Tuy nhiên, việc rèn luyện chỉ đạt đến một kết quả nhất định, khả năng hồi phục hoàn toàn là không thể.
"Chứng không diễn đạt được cảm xúc" do nguyên nhân tâm lý sẽ điều trị dễ dàng hơn. Người bị chứng này rất cần đến sự quan tâm, hỗ trợ từ phía gia đình, thầy cô và bạn bè. Yếu tố hình thành "bệnh" do tác động từ cuộc sống, môi trường giao tiếp, vì vậy có thể cải thiện bằng cách giúp họ thay đổi môi trường sống. Qua đó, giúp họ thể hiện cảm xúc tốt hơn, loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, học cách thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên.
Theo Phụ nữ TP HCM