Ngày 18/7, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh nhân được đưa vào cơ sở y tế gần nhà, sau đó chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức, tụt huyết áp. Các bác sĩ đặt nội khí quản thở máy, lọc máu, hồi sức tích cực một tuần nhưng tình trạng không cải thiện, tiến triển suy đa tạng và rối loạn đông máu nặng.
Kết quả cấy máu ra Streptococcus suis (vi khuẩn liên cầu lợn). Người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch, tiếp tục được duy trì thở máy, lọc máu liên tục, truyền các chế phẩm máu và kháng sinh thích hợp.
Người nhà cho biết cách vào viện 12 ngày, người đàn ông ra chợ mua thủ lợn về chế biến, một ngày sau thì sốt cao, nổi các ban xuất huyết trên da. Thủ lợn là phần thịt ở đầu lợn gồm tai, má và cổ lợn, được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như giò thủ, má heo quay, nộm má tai heo.
Bác sĩ nhận định trong quá trình chế biến có thể bệnh nhân đã bị lây nhiễm bệnh. Thực tế, nhiều người dân không ăn thủ thịt bởi chúng khó làm sạch lông, chứa nhiều u cục, thậm chí nhiễm các chất độc hại. Phần cổ và gáy lợn là nơi tiêm thuốc nhiều nhất, nguy cơ tồn dư kháng sinh, hóa chất. Đây cũng là nơi chứa các hạch bạch huyết và các tuyến trao đổi chất nên nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, nang ký sinh trùng gây hại sức khỏe.
Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên, biểu hiện là viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Trường hợp nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết.
Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo nên mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Không ăn lợn chết, không ăn món tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
Sử dụng trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống. Giữ dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ. Rửa sạch tay và dụng cụ sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
Thúy Quỳnh