Tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân được hồi sức bằng kháng sinh mạnh, thở máy, lọc máu liên tục. Tuy nhiên, người bệnh đáp ứng rất kém, nhiễm trùng nặng hơn, các bác sĩ đánh giá tỷ lệ tử vong gần như 100%. Đặc biệt, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore nguy cơ lan khắp cơ thể tạo thành nhiều ổ áp xe, đe dọa tính mạng người bệnh.
Sau hội chẩn, PGS Đào Xuân Thành, Phó giám đốc bệnh viện và PGS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu đưa ra phác đồ mạnh hơn. Bệnh nhân tiếp tục điều trị kháng sinh kết hợp kỹ thuật tim phổi nhân tạo VV-ECMO - được cho là liệu pháp cứu chữa cuối cùng.
Tuy nhiên khi đang chạy máy và điều trị huyết khối bằng chống đông, bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng, sốc mất máu do chảy máu dạ dày nhiều lần. Bác sĩ phải nội soi cầm máu lúc nửa đêm, truyền nhiều lít chế phẩm máu.
Sau 1,5 tháng điều trị, bệnh nhân đã bỏ được máy thở, thở khí phòng, chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La phục hồi.
Burkholderia pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn, xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở. Hiện chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhất là người có bệnh nền như tiểu đường, gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Tại Việt Nam, khoảng 70% ca Whitmore nhập viện từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Số bệnh nhân thường liên quan và tỷ lệ thuận với tình trạng mưa lũ. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh.
Whitmore nhiều năm trước được xem như "căn bệnh nguy hiểm bị lãng quên" tại Việt Nam, do sau chiến tranh không còn được ghi nhận. Hơn 10 năm qua, các ca mắc vi khuẩn này được phát hiện nhiều hơn được thầy thuốc chú ý khi khám lâm sàng và kỹ thuật xét nghiệm tiến bộ hơn.
Thùy An