Tiểu Linh
Với năm tập Trên biển khơi dưới đá thẳm (1965), Bóng tối trỗi dậy (1973), Phù thuỷ xanh (1974), Vua xám (1975) và Bạc trên cây (1977), bộ truyện Bóng tối trỗi dậy đã thu hút hàng triệu độc giả, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi suốt hơn 40 năm qua kể từ lần đầu xuất bản, đồng thời giúp cái tên Susan Cooper sánh ngang hàng với những cây đại thụ của thể loại văn học kỳ ảo dành cho thiếu nhi như Tolkien, C.S. Lewis. Tập một Trên biển khơi dưới đá thẳm vừa ra mắt độc giả Việt Nam đầu tháng 6.
![]() |
Bìa cuốn "Trên biển khơi, dưới đá thẳm". |
Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn của Susan Cooper dành cho phóng viên Raymond H. Thompson. Qua đó, người đọc khám phá bộ truyện đã ra đời như thế nào từ nỗi nhớ nhà da diết, điểm sáng tạo độc đáo của Susan khi kế thừa truyền thuyết Arthur cũng như quan niệm của bà về con người - vị thánh nhỏ tự bảo vệ cuộc sống yên bình của chính mình.
- Sức hấp dẫn nào khiến bà lựa chọn truyền thuyết Arthur làm chất liệu cho bộ truyện "Bóng tối trỗi dậy"?
- Tôi không có chút ý niệm nào về chuyện này và chẳng hề có chủ ý rằng mình đang viết về truyền thuyết vua Arthur theo đúng nghĩa. Tôi chỉ đang viết một bộ truyện kỳ ảo vận dụng đến tất cả những gì tôi từng đọc, từng trải nghiệm và tiếp thu từ nền tảng văn hóa chung. Vị vua nước Anh chỉ là một phần của mớ tư liệu khổng lồ trong tiềm thức tôi, nơi lưu giữ những truyện cổ tích, truyện dân gian, truyện thần thoại... cả một kho tàng đã hút hồn tôi thừ thuở nhỏ. Tôi cho rằng mình từng đọc hầu hết những gì sau đó được in thành sách, một phần từ những nghiên cứu khoa học chuyên ngành về truyền thuyết Arthur, phần nữa bởi tôi từng theo học tại Đại học Oxford và khoa tiếng Anh của trường rất mạnh về mảng văn học cổ.
- Điều gì đã đưa cả kho tàng dân gian rộng lớn ấy vào bộ truyện của bà?
- Kết quả của việc chuyển tới Mỹ sống năm 1963 là tôi nhớ nhà da diết và đâm ra nghiền đọc không chỉ về nước Anh, mà cả liên hiệp Anh, nơi có lẽ tôi sẽ chẳng mấy bận tâm nếu còn sống ở Anh. Tôi có ấn tượng sâu sắc về lịch sử mang màu sắc huyền thoại của vùng đất này. Tôi lớn lên ở Buckinghamshire, vùng ngoại thành thôn dã nhất cách London 20 dặm. Tôi biết về quá khứ, điều tôi từng chẳng bận tâm. Có một pháo đài cổ cách hai quãng đồng, một mặt lát theo phong cách La Mã ai đó đã tìm thấy trên mảnh ruộng của mình. Từ cửa sổ phòng ngủ, tôi có thể thấy lâu đài Windsor... Những điều như thế gợi cảm giác về lớp lớp thời gian, về những truyện cổ xuyên suốt những lớp lang ấy và nảy nở nhờ đó, ngay cả khi bạn chẳng nhận ra mình có nó. Đây là một di sản vô giá với người cầm bút. Tôi thật may mắn.
- Và những di sản này càng trở nên quý giá hơn khi bà tới Mỹ...
- Đúng vậy. Tác giả người Anh J.B. Priestley, một người bạn của tôi, từng viết cho tôi khi tôi đang trải qua những ngày nhớ nhà tồi tệ. Trong một lá thư, ông tâm sự, đừng ưu phiền về chuyện phải rời xa cội rễ, cô sẽ thấy mình viết hay hơn về nơi cô phải chia xa. Điều đó đã trở thành sự thật với bộ tác phẩm Bóng tối trỗi dậy. Những câu chuyện đặc chất Anh, mặc dù ngoại trừ cuốn đầu tiên, tất cả đều được viết tại Massachusetts này và tại một hòn đảo nhỏ xíu thuộc vùng Caribbe, nơi chúng tôi có một căn nhà.
- Khi còn nhỏ, bà có đọc truyện vua Arthur cho bọn trẻ ít tuổi hơn không?
- Tôi chắc mình đã làm vậy bởi tôi thuộc nhiều truyện cổ lắm, nhưng tôi không thể nói rõ với anh là chuyện nào đâu.
- Còn thời gian học tập tại Oxford giúp bà những gì trong việc trau dồi vốn hiểu biết về truyền thuyết Arthur?
- Chúng tôi phải đọc khá nhiều tài liệu từ nguồn tiếng Pháp. Tôi cũng đọc bộ biên niên sử Mabinogion và nhiều tác phẩm khác mà lúc này tôi không nhớ xuể. Tuy nhiên tôi không hề đọc lại những gì từng học ở Oxford khi viết Bóng tối trỗi dậy. Không hề. Bất cứ điều gì có được từ thời còn học đại học vẫn ở nguyên nơi đó, tôi không có ý định hồi tưởng lại.
- Bà từng đọc những nghiên cứu về thời đại vua Arthur của các nhà khảo cổ hay các sử gia?
- Tôi đọc R.K. Chambers, R.S.Loomis, Leslie Alcock, và tôi thấy cuốn Thời đại vua Arthur của John Morris thật hay vì những tư tưởng khác lạ. Đó là một phần trong tất cả những gì tôi đọc. Tuy nhiên, hơn cả chuẩn bị cho bộ sách, tôi thuộc tuýp người lang thang trong hàng sách cũ và tìm kiếm chung quanh bất cứ cuốn nào thuộc lĩnh vực mình từng đọc.
- Bà có đọc tài liệu nào mới hơn về truyền thuyết vua Arthur, ví dụ như cuốn "Những câu chuyện tình của đức vua của Tennyson" hay "Vị vua của một thuở và tương lai" của T.H. White?
- Ồ, có chứ. Khi còn học đại học, tôi hầu như đọc mọi thứ Tennyson viết. Tôi thích White nhưng không đọc nhiều tiểu thuyết hiện đại về vua Arthur trước khi sáng tác bộ truyện này.
Chỉ khi viết cuốn thứ hai Bóng tối trỗi dậy, tôi mới thấy mình cần viết thêm bốn cuốn nữa. Một lần, tôi chợt nhận ra mình đang viết truyện kỳ ảo cho độc giả trẻ, và thật không hay nếu đọc bất cứ ai sáng tác cùng thể loại. Vì thế, tôi đã không đọc. Và kết quả, sau khi hoàn thành tập cuối, tôi chỉ miệt mài đọc Alan Garner, C.S.Lewis và cả loạt tác giả khác. Tôi thích họ vô cùng, đặc biệt là Alan Garner. Ông ấy thật tuyệt. Chúng tôi từng gặp nhau tại một hội nghị mấy năm trước, giống như gặp anh trai mình vậy.
- Đến bao giờ bà mới ý thức rằng mình sáng tác "Bóng tối trỗi dậy" theo thể loại kỳ ảo?
- Đó thực sự là một tiến trình. Tôi viết Trên biển khơi dưới đá thẳm khi còn là một nhà báo rất trẻ, trước khi rời Anh. Công ty xuất bản tên là Jonathan Cape, nơi đã xuất bản E. Nesbit tổ chức cuộc thi truyện phiêu lưu gia đình, và tôi nghĩ mình sẽ tham gia. Vì vậy, cuốn sách được bắt đầu như một truyện phiêu lưu. Quả thực, tôi không dựa nhiều vào truyền thuyết Arthur. Tác phẩm có sử dụng hình tượng chiếc chén thánh, nhưng không giống như chiếc chén thánh trong truyền thuyết. Tuy nhiên, ngay từ rất sớm, nhân vật Merriman đã xuất hiện, và cuốn sách tự thân trở thành một câu chuyện kỳ ảo. Một phần nữa, khi viết truyện kỳ ảo, tôi nghĩ mình không thực sự bận tâm về điều đó. Tôi chỉ cảm thấy mình đang về nhà. Tôi không tự nhủ mình đang viết truyện kỳ ảo. Tôi cũng chẳng tự nhủ rằng mình đang viết cho bọn trẻ. Tôi chỉ kể một câu chuyện mà thôi. Nói cách khác bạn đang sống trong thế giới ấy và kể lại những gì mình thấy. Tất nhiên, những gì bạn thấy bắt nguồn từ tiềm thức của chính bạn.
- Bà hướng tới lứa tuổi nào khi viết bộ truyện này?
- Ồ không, tôi không hướng tới một độ tuổi nào cả. Bạn sáng tác và nhà xuất bản sẽ quyết định việc đó. Tôi không biết mình sẽ viết cho ai. Tôi viết cho chính mình, có lẽ vậy.
- Cuộc xung đột thiện - ác, trọng tâm của bộ truyện, xét ở một khía cạnh nào đó, là vấn đề căn cốt của truyền thuyết vua Arthur. Vậy bà chịu ảnh hưởng thế nào bởi điều đó khi sáng tác?
- Tôi thu thập tư liệu từ những bộ biên niên sử và cuốn Mabinogion hơn là từ những tiểu thuyết trung cổ, nơi cuộc xung đột này đậm nét hơn, thế nhưng tôi chỉ nhận ra điều đó khi ngẫm lại. Tôi thích vua Arthur - vị thủ lĩnh của cuộc chiến trong thời đại Bóng tối hơn là một hình tượng lãng mạn thuộc hội Bàn tròn.
Cuộc xung đột giữa ánh sáng - bóng tối trong tác phẩm của tôi có liên quan nhiều hơn tới một sự kiện khi tôi lên bốn, đó là thế chiến thứ hai nổ ra. Anh có nguy cơ bị Đức xâm lược. Và hiểm hoạ ấy, vốn kinh hoàng gấp bội bởi ký ức bị người khác dội bom lên đầu, đã tạo nên một ý thức sâu sắc về Chúng ta và Chúng nó. Dĩ nhiên Chúng ta luôn luôn tốt, còn Chúng nó luôn luôn xấu.
Ý thức này lưu lại trong tôi và tạo nên mối liên hệ với tất cả những thời điểm khác khi nước Anh bị đe doạ bởi nạn ngoại xâm. Chúng tôi bị xâm lược nhiều lần bởi Scandinavia, Ireland, Lục địa. Nỗi sợ hãi và sự kháng cự - thường thất bại - ấy trở đi trở lại suốt lịch sử Anh. Tất cả đã ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng, và nhất là, nếu bạn thuộc thế hệ phải trải qua những điều này suốt thời thơ ấu, nó sẽ trở thành phần rất đậm trong tâm trí bạn. Vì thế, có một mối đồng cảm giữa sự trưởng thành của tôi với những gì đã xảy ra khi vua Arthur thật - theo những gì chúng ta biết về ngài - còn sống. Anh có thể thấy sự phản ảnh này trong bộ truyện, đặc biệt là những tập cuối.
- Có mối liên hệ nào giữa vua Arthur và Herne - thợ săn trong bộ tác phẩm của bà?
- Một trong những điều tôi tin, phần lớn do đọc Robert Graves, người đã viết những tác phẩm khiến nhiều học giả cảm thấy thái quá, là nét tương đồng nào đó giữa những nhân vật đáng kính. Phần hư cấu của hình tượng được hư cấu hoàn toàn Herne và hình tượng có lẽ từng tồn tại Arthur có thể đan xen và gối lên nhau, điều này đã xảy ra với các nhân vật trong câu chuyện của tôi. Vì vậy, không bao giờ có thể nói, nhân vật này nhất nhất phải thế này, nhân vật kia nhất nhất phải thế kia, không có gì tuyệt đối chính xác trong huyền thoại. Bạn có thể rành mạch vì mục đích cuốn sách bạn viết, nhưng như vậy, bạn đã đặt mình vào thế khó. Những yếu tố huyền thoại thường mang màu sắc huyền ảo, và giống như một bức hoạ thuộc trường phái ấn tượng vậy - nếu bạn cố làm sắc nét điểm này, bạn sẽ mất đi điều gì đó. Bạn sẽ đánh mất sự kỳ ảo. Người viết phải xử lý thật khéo.
- Trong suốt cuộc chiến ở tập cuối, vua Arthur hầu như biến mất, tại sao vậy?
- Tôi không rõ, đó chỉ là cách mà câu chuyện diễn ra thôi. Đây là tác phẩm về Ánh sáng và Bóng tối, không phải tác phẩm về vua Arthur. Nó vận dụng huyền thoại ở chừng mực mà huyền thoại giúp ích cho câu chuyện. Nhân vật chính thuộc dòng họ Arthur trong bộ tác phẩm của tôi không hề tồn tại trong truyền thuyết Arthur, đó là Bran, con trai vua Arthur. Anh ta là sáng tạo của tôi, với sự táo bạo lớn mà một tác giả đã thoát ly khỏi truyền thống có được. Tôi nghĩ, có lẽ nhân vật này bắt nguồn từ ý niệm sâu sắc về sự phản bội mà bạn có thể tìm thấy trong truyện kể về vua Arthur, Guinevere và Lancelot.
- Tại sao bà quyết định xây dựng Bran là con trai của vua Arthur thay vì chỉ là một nhân vật bình thường?
- Tôi không rõ. Đó không phải là quyết định có chủ ý. Tôi bắt đầu viết một cuốn sách và coi nó như một con đường. Bạn biết điểm khởi đầu, bạn biết ai sẽ đồng hành cùng mình, bạn biết đại để họ sẽ đi đâu, nhưng bạn không hề biết (ít nhất tôi không biết) chuyện gì sẽ xảy ra trên con đường ấy. Bạn chỉ rõ khi đi tiếp. Mỗi khi viết tiểu thuyết, tôi có hai thứ: bản thảo ra đời rất chậm, từ máy chữ, trên giấy, hay bất cứ chỗ nào; đồng thời, tôi giữ một quyển sổ, trong đó đầy những mẩu nhỏ tình cờ được gom lại từ mọi nơi, và chúng thường đi vào tác phẩm của tôi: những trích đoạn, những hình ảnh, những điển tích... Nhưng trong đó, tôi cũng nhắc nhở chính mình. Chắc rằng, nếu tôi giở lại cuốn sổ về Vua Xám, tôi sẽ tìm thấy vài điểm cho thấy Bran sẽ trở thành con trai vua Arthur, cũng như lúc mà bác Merriman hoá ra lại là Merlin. Tâm trí bạn làm nhiều điều trước khi nói với bạn rằng nó đang làm điều đó.
- Vậy tại điểm nào bà nhận ra rằng Merriman là Merlin?
- Cuối tác phẩm Trên biển khơi dưới đá thẳm, cậu bé tên là Barney nói "Merry Lyon... Merlion... Merlin". Đó là lần duy nhất trong khi viết tôi nhận ra rằng ông ấy là ai. Tôi nhận ra điều đó cùng lúc với Barney. Chắc hẳn phải có một lý do đặc biệt nào đó khiến nhân vật Merlin hấp dẫn tôi mạnh mẽ đến vậy, nhưng tôi không bao giờ gắng lý giải điều này.
- Khi bà nhận ra Merriman Lyon chính là Merlin, điều đó gây khó khăn thế nào cho bà khi sử dụng ông ấy như một nhân vật bởi cách thức ông ta xuẩt hiện trong truyện cổ?
- Ồ không, ông ấy là nhân vật của tôi, không phải là Merlin trong nguyên mẫu. Merriman là một Cố Nhân [ 1] trong truyện của tôi, một nhân vật thuộc phía Ánh Sáng, đối lập với Bóng Tối, sự phân loại cụ thể hơn của Điều Thiện và Ác Quỷ. Ông không có những nét tính cách đen tối xen lẫn như hình tượng Merlin trong truyền thuyết Arthur. Mặt trái của Merriman Lyon, thực ra của tất cả các cố nhân, là hoàn toàn tốt, cũng giống như hoàn toàn xấu vậy, đó là cuồng tín.
- Bà có nhận thấy rằng Teliesin thuộc truyền thuyết Arthur khi bà kể về nhân vật này trong "Bạc trên cây", tập cuối của bộ truyện?
- Không, chắc là không. Tôi cho rằng có thể nhân vật này bắt nguồn từ Nữ thần trắng của Robert Graves, cuốn sách tôi từng đọc khi viết bộ truyện.
- Bối cảnh cho tác phẩm là những địa điểm cụ thể hay chỉ là sự tổng hợp?
- Ồ, rất cụ thể. Trên biển khơi dưới đá thẳm và Phù thuỷ xanh đều diễn ra tại Trewissick, địa danh dựa trên một làng nhỏ thuộc phía nam Cornwall tên là Mevagissey. Chúng tôi thường đến đó khi còn nhỏ. Bóng tối trỗi dậy phần lớn xảy ra tại Buckingham, nơi tôi lớn lên. Mỗi cành cây đều có thật. Bây giờ, đa phần nơi ấy trông không đã khác, nhưng một vài điều vẫn vậy. Ngôi nhà thờ nhỏ vẫn như xưa. Thung Lũng Thợ săn dựa trên ngôi làng Dorney và Great Hall chính là lâu đài Dorey, nơi tôi biết được dùng làm nhà của quý cô Haversham trong phiên bản mới của bộ phim truyền hình chuyển thể từ cuốn Great Expectations của Dicken. Vùng Welsh trong Vua Xám và Bạc trên cây ở quanh quanh Aberdyfi, ngôi làng nơi bà ngoại tôi sinh ra và cha mẹ tôi từng sống. Tôi cũng bay bổng đôi chút khi miêu tả, kết hợp hai thung lũng thành một nhưng mặt khác nó khá chính xác. Cô tôi, người vẫn sống ở đó, thỉnh thoảng được ai đó gõ cửa và hỏi, đây có phải chính là địa danh trong tác phẩm không?
- Bà xem lại những chi tiết về địa hình sau khi bắt tay vào viết hay chỉ cần hồi tưởng là đủ?
- Tôi có hẳn hai bản đồ quân sự ghim sau cánh cửa tủ trong phòng làm việc, để nếu muốn xem lại tôi sẽ tới bên tủ. Tôi cũng về quê hàng năm. Tôi nhớ mình bước ra khỏi căn nhà của cha mẹ khi tới Aberdyfi từ Mỹ, để gợi lại cảm giác băng qua những đụn cát rồi xuống biển trong buổi mình minh còn rất sớm như thế nào. Tôi đã gặp những hình ảnh này khi viết Bạc trên cây, nơi một nhân vật nhắc Jane làm chính điều đó. Vì thế, tôi đã làm mọi điều như vậy. Thế nhưng, có nhiều chi tiết lạ lùng bắt nguồn từ ký ức của bạn. Bạn chẳng biết nó ở đó cho tới khi bạn bắt đầu viết về nó. Cũng trong cuốn Bạc trên cây, Will và Bran ở trên đỉnh núi thuộc bờ sông Dyfi, và ở đó xuất hiện một nhịp cầu thần kỳ dẫn họ xuống chốn phi thời gian tên là Lost Land. Khi viết những trang đó, tôi đặt hai nhân vật trên đỉnh núi, và không hề biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo. Sau đó, tôi nhớ lại lần cuối về nhà, trèo lên đỉnh núi đó và phóng tầm mắt tìm cửa sông Dyfi. Khi còn nhỏ, tôi được nghe kể về vương quốc dưới nước, và dường như tôi thấy nó. Khi nhớ lại khoảnh khắc ấy, tôi nghĩ, đó chính là điều sẽ diễn ra. Họ đi xuống, qua một cây cầu, thật tuyệt khi điều đó xảy ra. Đó là ý tôi khi nói nó không phải là một quyết định có chủ ý. Bạn không thể điều khiến nó. Thậm chí, đôi khi bạn còn nhận ra mình sử dụng cả những hình ảnh đến từ những giấc mơ.
- Truyền thuyết Arthur đưa bà đến nơi nào trong những địa danh này?
- Ồ, có chứ. Ví như trong thung lũng phía sau Aberdyfi có một tảng đá, nơi tương truyền rằng ngựa của vua Arthur từng in lại dấu chân. Tôi thích tạo nên những lớp huyền thoại. Thực sự, bạn có thể thấy truyền thuyết vua Arthur đã tiếp biến như thế nào, tại sao không thể trở lại và nói đoạn này có thật, còn đoạn này lại không. Tất cả đều là sự thật. Thực hư đến đâu là chuyện khác, và thực sự chẳng liên quan. Điều này cũng giống như Camelot vậy. Camelot ở đâu? Ai quan tâm? Điều đó không quan trọng.
- Năm cuốn này hợp thành một bộ. Những điều bà viết ở các tập đầu ảnh hưởng thế nào tới hướng đi về sau?
- Ồ không. Điều đó thật tuyệt, giống như viết một bản giao hưởng vậy, trong đó mỗi phần đều khác biệt mặc dù tất cả được kết nối với nhau. Cuốn trước lại mở ra điều gì đó ở cuốn sau. Khi viết cuốn đầu tiên, tất nhiên, tôi chẳng hình dung ra cả bộ truyện, nhưng sau đó, khi lần đầu có ý đinh viết, không chỉ là tập hai, mà cả bộ truyện, tôi đã vạch kế hoạch trên một mảnh giấy nhỏ và ghi chú: mình có bốn dịp trong năm, tập trung vào các ngày hạ chí, đông chí, lễ Beltane và những ngày lễ tương tự, mình có các địa điểm, và rất sơ lược, các nhân vật của mỗi cuốn. Tôi còn nhớ trong Vua Xám có cậu bé tên là Bran nhưng không rõ cậu ta là ai. Đó là điều duy nhất cản trở tôi. Có nhiều điều thuộc cuốn trước tôi phải ghi nhớ, bởi chúng vừa cần được giải quyết, vừa liên quan tới những cuốn sau.
- Có chi tiết nào bà muốn sửa khi nhớ lại?
- Tôi sẽ xây dựng ba đứa trẻ nhà Drew vui nhộn hơn ở tập một.
- Càng về những tập sau, nhân vật Jane càng thú vị hơn. Bà nói sao?
- Jane là nhân vật tôi luôn muốn viết đi viết lại. Bạc trên cây là tập cuối của bộ sách. Có rất nhiều điều trong đó. Tâm trí tôi thoát khỏi mọi định hướng, kết cấu của tác phẩm không hề đồ sộ. Thậm chí còn nhiều điều nữa cần nói, nhưng tôi đã loại bớt. Tất nhiên, khi bạn viết về vấn đề bản chất của huyền thoại, cuộc chiến giữa cái tốt và cái xấu, theo tôi, bạn phải đưa ra được cái chót cùng, đồ sộ, cực điểm. Điều đó hầu như không thể.
- Có phải những yếu tố tiếp nhận từ truyền thuyết Arthur góp phần đáng kể vào cảm giác bế tắc đó?
- Tôi phải thoát khỏi điều đó bởi với tôi dường như truyền thuyết Arthur khá gần với truyện kể Cơ Đốc giáo về vị thủ lĩnh đã hy sinh để bảo vệ sự bình yên của chúng ta. Trong khi đó, điều tác phẩm của tôi muốn diễn đạt là không ai có thể bảo vệ chúng ta. Chúng ta phải tự bảo vệ chính mình. Bạc trên cây có một bài thơ mẹ từng ngâm cho tôi nghe. Bài thơ nói về Darke đang nằm trên võng, nơi gợi lại truyền thuyết vùng Devon kể rằng ngài Francis Drake sẽ trở về giải phóng nước Anh nếu chúng ta bị tái chiếm. Tương tự, vua Arthur cũng sẽ trở lại, và cả Đức Chúa, họ là những vị cứu tinh. Tôi không muốn vận dụng ý tưởng này. Vua Arthur trong sáng tác của tôi đi đến Avalon, và việc cứu thế giới phụ thuộc vào những con người sống trong thế giới ấy.
- Như vậy, theo một nghĩa nào đó, bà đã không để vua Arthur đóng một vai trò quá quan trọng trong câu chuyện. Tại sao vậy?
- Đúng vậy. Đó không phải là cách vua Arthur bước vào tác phẩm, tuy nhiên, đúng hơn là cách mà câu chuyện nhập vào thời đại của truyền thuyết Arthur, bởi vì đó chính là điều xảy ra. Những tác phẩm này hoà mình vào và tách khỏi dòng thời gian, chu du như một đoàn tàu hay một con thuyền, kết nối phần này với phần khác để tạo nên sự liền mạch.
- Tôi nhận thấy truyền thuyết Arthur chỉ là một giữa nhiều yếu tố trong câu chuyện của bà, nhưng phần nào của truyền thuyết bà cảm thấy quan trọng nhất để gửi gắm mục đích của mình?
- Tôi không tìm đến truyền thuyết. Truyền thuyết ở đó, trong sâu thẳm tâm trí tôi, nơi đôi khi trí tưởng tượng tìm đến để nhận lấy đôi điều. Một phần trong bạn, đang viết tới một điểm nhất định nào đó, chợt vươn ra và nói: tôi muốn mẩu đó. Bạn không ngồi bên bàn và nói, hôm nay, mình sẽ dùng phần đó. Điều này cũng giống như bạn bước vào một khu vườn để hái vài thứ sẽ nấu cho bữa tối. Bạn không nói, hôm nay tôi cần cà rốt, hành và ớt xanh. Bạn bước vào và tự nhủ, bông cải trông ngon quá, mình sẽ lấy một ít, có một quả ớt xanh trong bụi cây kìa, mình sẽ hái. Chuyện này không thể tính trước. Cũng giống như điều gì đó đến và giúp ích. Những yếu tố dường như nói: tôi đây và tôi thuộc về phần này của câu chuyện. Dĩ nhiên, sự tự chọn lựa ấy cũng không phải là thích hợp nhất, bởi lựa chọn là cân nhắc. Nhất là khi một nơi nào đó trong tâm trí bạn bị xâm lấn bởi điều thuộc về chính nơi ấy.
- Và điều bà chọn là Merriman, người dẫn dắt bọn trẻ?
- ... Hay cố nhân thông thái của Jung
- ... Và Arthur, người thuộc phía Ánh sáng trong cuộc chiến chống lại Bóng tối?
- Đúng vậy, tôi cho rằng Ngài đại diện của phía Ánh sáng.
- Họ xuất hiện trong bộ truyện bởi họ hiện lên từ cõi tâm thức sáng tạo của bà?
- Kết cục, chúng ta đều viết về những điều giống nhau. Không ai từng sáng tạo ra một nhân vật hay một câu chuyện hoàn toàn mới, bạn may mắn nếu bạn là một phần của kết cấu đó.
- Cuối cùng, bà có lời nhắn nhủ nào với độc giả?
- Tôi muốn nhắc lại rằng tôi không bao giờ ngồi xuống và ngẫm ghĩ về cách "sử dụng" huyền thoại Arthur, tại sao phần nào đó lại đi vào câu chuyện mà không phải phần khác. Trí tưởng tượng có sự lựa chọn của riêng mình.
Tiểu Linh dịch (nguồn: lib.rochester.edu)