Theo Reuters, Supermicro đã thuê công ty đa quốc gia Nardello & Co độc lập kiểm tra các mẫu bo mạch đang sản xuất cũng như dòng sản phẩm đã bán cho Apple và Amazon. Bên cạnh phần cứng, hãng cũng yêu cầu thực hiện điều tương tự với phần mềm. Nardello khẳng định không có bất kỳ dữ liệu trái phép nào được gửi đi.
Supermicro đã gửi văn bản đến các đối tác và khách hàng, đồng thời nhấn mạnh họ không ngạc nhiên trước kết quả. Bên cạnh đó, công ty cho biết đang cân nhắc đưa ra các hành động pháp lý cần thiết đối với trang báo đưa tin thất thiệt.
Ngày 4/10, Bloomberg đăng báo cáo điều tra cho biết Trung Quốc dùng chip nhỏ bằng hạt gạo để xâm nhập 30 công ty Mỹ từ năm 2015. Trước khi xuất bản nội dung trên, báo này đã gửi thông tin đến Supermicro, nhà sản xuất bo mạch server được cho là bị cài chip gián điệp, cũng như Apple, Amazon - hai công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ có máy chủ dính phần cứng độc hại.
Trong bài phỏng vấn với CNBC ngày 22/10, Giám đốc Supermicro Charles Liang khẳng định họ không phát hiện bất kỳ chip gián điệp nào bên trong bo mạch chủ và yêu cầu gỡ bài viết. Trả lời BuzzFeed, CEO Apple Tim Cook cũng nhấn mạnh Bloomberg đăng sai sự thật. Giám đốc điều hành Amazon Web Services Andy Jassy cũng nói tờ báo đã quá vội vàng khi không có các bằng chứng thuyết phục. Ngoài ra, cơ quan an ninh mạng của Anh, Bộ an ninh nội địa Mỹ, cựu cố vấn FBI James Baker và cố vấn cao cấp của NSA Rob Joyce cũng đặt nghi vấn về kết quả điều tra trên.
Bảo Lâm