"Super League châu Âu (ESL) tin rằng tình trạng hiện tại của bóng đá châu Âu cần được thay đổi. Chúng tôi đề nghị một giải đấu mới vì hệ thống hiện tại không hoạt động. Đề xuất của chúng tôi hướng tới một bước tiến hoá cho môn thể thao này, đồng thời tạo ra nguồn lực và sự bền vững cho toàn hệ thống bóng đá, bao gồm giúp đỡ cộng đồng vượt qua khó khăn tài chính trong thời kỳ dịch bệnh. Nó cũng mang lại một sự thúc đẩy vững chắc về mặt vật chất cho những cổ đông bóng đá", nhà báo Fabrizio Romano trích dẫn thông báo của ESL.
Hôm 20/4, sáu đại gia bóng đá Anh thông báo đang làm thủ tục xin rút khỏi ESL. Tại Italy, Inter Milan cũng có động thái tương tự. Nếu điều này xảy ra, ESL đứng trước nguy cơ đổ vỡ do hơn một nửa số đội rút lui. Tuy nhiên, thông báo của ESL khẳng định các đội bóng Anh chỉ đang gặp áp lực từ bên ngoài và nói bóng gió rằng thông báo xin rút chỉ được đưa ra nhằm xoa dịu dư luận.
"Các CLB Anh xin rút vì chịu sức ép từ bên ngoài. Nhưng bất chấp điều đó, chúng tôi tin rằng đề xuất của mình hoàn toàn nằm trong khuôn phép của luật pháp châu Âu cũng như những quy định, như đã được thể hiện hôm nay trong phán quyết của một toà án, nhằm bảo vệ ESL khỏi tác động từ bên thứ ba", ESL thông báo.
"Theo tình trạng hiện tại, chúng tôi sẽ xem xét những bước hợp lý để định hình lại kế hoạch. Chúng tôi luôn tâm niệm mang đến cho người hâm mộ trải nghiệm tốt nhất có thể, đồng thời thúc đẩy nguồn thu vững chắc cho cộng đồng bóng đá", giải đấu này khẳng định.
Cũng trong ngày 20/4, sau khi sáu đội bóng Anh xin rút, thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi ESL là một kiểu "nhóm lợi ích cạnh tranh" và cho rằng hành động ly khai này sẽ vi phạm nguyên tắc cạnh tranh công bằng trong bóng đá. Người đứng đầu chính phủ Anh một mực khẳng định sẽ tìm cách tác động qua luật pháp để ngăn chặn giải đấu này ra đời.
Vĩnh San (theo Guardian)