Việc người dân Việt Nam vẫn sử dụng Honda Super Cub hàng ngày, từ việc chở hàng với bùn đất lấm lem cho đến phong cách "cưng nựng" như bảo vật là một câu chuyện lạ và hấp dẫn với người nước ngoài. Trang Thetruthaboutcars.com, một trong 25 blog hay nhất Mỹ 2011 do tạp chí Time bình chọn, có một bài viết dài tìm hiểu về sự tồn tại gây ngạc nhiên của mẫu xe này tại Việt Nam sau khi trải qua 2 tuần ở đây.
Trong khoảng 15 năm, Civic và Accord giống như vật "bất khả xâm phạm" tại thị trường Mỹ, và Honda bán mọi thứ họ có thể sản xuất tại đây dưới hiệu lực của quy định Hạn chế xuất khẩu tự nguyện năm 1981. Sau đó, Soichiro Honda, nhà sáng lập của hãng xe Nhật, qua đời và Honda gần như trở nên lạc lối. Ôtô của họ vẫn rất tốt, nhưng cuộc cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt và phép màu Honda đã mất thiêng đối với khách hàng Mỹ. Ở Nhật, doanh số ôtô cũng chẳng tuyệt vời, vậy thứ gì giúp Honda trụ vững? Đó là xe 2 bánh.
Xe máy là trung tâm văn hóa của Việt Nam. Những người nông dân đi xe máy ra đồng, các bậc cha mẹ dùng xe máy đưa con đến trường, các cửa hàng nội thất chở giường tủ bàn ghế bằng xe máy...
Đường phố Sài Gòn và Hà Nội rối loạn vì xe máy ở khắp nơi. Muốn đi ngược chiều ư? Cứ việc. Chạy trên phần đường đi bộ? Chắc rồi! Đèn tín hiệu? Đèn tín hiệu nào? Phần lớn xe máy có dung tích xi-lanh dưới 200 phân khối, phần lớn là xe số, và phần lớn là Honda. Honda Wave là một trong những loại xe phổ biến nhất còn Air Blade mới bán rất chạy. Những loại xe mới bắt mắt rất hấp dẫn, nhưng không gì tiếp cận được vương triều của dòng xe được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử: Honda Super Cub.
Nếu nhìn thấy một chiếc xe máy ì ạch với đống hàng hóa cao ngất ngưởng ở Việt Nam, đến 90% đó là một trong số hơn 60 triệu chiếc Super Cub sản xuất từ năm 1958. Chở 150 kg đậu tương đến nhà hàng ở Đà Nẵng? Bạn biết sẽ làm thế nào rồi đấy! Như James May đã phát biểu trong chương trình Top Gear Vietnam Special, sau khi chọn một chiếc Super Cub làm "chiến mã" cho hành trình Sài Gòn-Hà Nội, thì đó là cỗ máy chở cả châu Á trên 2 bánh xe.
Còn có thể bắt gặp nhiều chiếc Super Cub gần như tàn tạ, chẳng nghi ngờ về việc nó được ráp lại từ nhiều xe phế liệu. Điều đó không có nghĩa không thể nhìn thấy những chiếc Super Cub đời cũ ở tình trạng còn sáng sủa. Chủ nhân của một trong số chúng, đỗ xe phía trước một cửa hàng may đo ở Sài Gòn và che yên xe khỏi nắng.
Super Cub là loài ngựa thồ thực sự. Trong khi Toyota Innova đang ngày càng phổ biến trong việc chở hàng hóa, thì loại xe máy Honda có thâm niên vẫn len lỏi trong những con phố nhỏ ở Việt Nam. Gắn thêm một xe chở hàng phía sau, Super Cub khó luồn lách hơn, nhưng lại tiết kiệm thời gian và tạo độ cân bằng tốt hơn khi di chuyển.
Có thể dễ dàng tìm thấy phụ tùng cho chiếc Super Cub hỏng hóc tại Sài Gòn và Hà Nội. Những cửa hàng nhỏ xíu trên phố bán mọi thứ có thể nghĩ ra. Cũng có thể mua những chiếc Super Cub mới. Dòng Little Cub có vẻ đặc biệt phổ biến đối với nữ nhân viên văn phòng.
Super Cub cũng từng được bán tại Mỹ, nhưng loại máy bay có tên Piper Super Cub có từ năm 1949 có nghĩa Honda phải sử dụng cái tên khác cho sản phẩm của mình. Vì thế, người Mỹ mua xe Honda Passport.
>>Thêm ảnh Honda Super Cub ở Việt Nam
Mỹ Anh
Ảnh: Thetruthaboutcars