5h, nhiều người lái ôtô qua cầu Rạch Miễu phải bật đèn sương mù vì chỉ thấy đường phía trước ở tầm nhìn không quá 10 m. Các tuyến đường chính như quốc lộ 1, quốc lộ 60 cũng bị sương mù bao phủ gây khó khăn cho các phương tiện. Ôtô, xe máy đều phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn.
Theo ghi nhận, sương mù bao phủ nhiều địa bàn ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre... Khu vực có nhiều vườn cây sương càng dày đặc hơn, đến hơn 8h sáng mới tan hẳn. Nhiều người dân thích thú chụp ảnh, quay phim hiện tượng sương mù dày đặc đăng trên mạng xã hội, so sánh như "khung cảnh Đà Lạt".
Ông Võ Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang cho biết hiện tượng sương mù thường có hai dạng. Sương mù bình lưu thường xuất hiện vào tháng 11 và 12 do khối khí lạnh tràn về. Còn sương mù bức xạ là do chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm gây nên.
"Thời điểm này ban ngày nhiệt độ cao, đêm nhiệt độ hạ xuống thấp nên tạo ra nhiều liên kết như giọt sương mù", ông Thông nói và cho biết hiện tượng sương mù bức xạ chỉ là cục bộ và sẽ hết trong 1-2 ngày.
Nam An