Dòng suối và bãi đá này ở làng Vân, thuộc thị trấn Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Người Jrai quanh vùng gọi nơi này là Jrai Phă (jrai nghĩa là thác nước, phă là bể). Một số khách đến tham quan còn gọi là suối Đá Đĩa vì nơi này có hình dạng như Ghềnh Đá Đĩa, di tích quốc gia đặc biệt ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Theo đại diện Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Gia Lai, con suối nằm giữa xã La Phí và thị trấn Yaly, chảy qua nhiều làng của người Jrai trước khi đổ ra hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện Yaly. Trong khi suối chảy đến đoạn làng Vân thì trồi lên một bãi đá rộng khoảng 2 ha.
Bãi đá có hàng trăm cột đá có hình lục lăng, được xếp cạnh nhau san sát, nhìn từ trên cao, nơi này như một "tổ ong" bằng đá khổng lồ. Theo các nhà địa chất, về hình thức, bãi đá tại con suối qua làng Vân có sự tương đồng với Ghềnh Đá Đĩa, về niên đại đã vượt 100 triệu năm tuổi.
Biết thông tin tỉnh nhà xuất hiện bãi đá cổ, bà Bích Vân (57 tuổi) chạy xe máy khoảng 140 km từ thị xã An Khê đến huyện Chư Păh để chiêm ngưỡng con suối. "Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa nên nước ở suối có pha đất đỏ trông hơi đục, tuy nhiên vẫn có vẻ đẹp riêng. Tham quan vào mùa này, mọi người nên cẩn thận nước mưa từ thượng nguồn đổ về sẽ làm cho dòng chảy mạnh, cần cẩn thận khi tham quan, cắm trại có trẻ nhỏ ven suối", bà chia sẻ.
Hiện, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản giao các đơn vị liên quan và UBND huyện Chư Păh tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng khu vực bãi đá cổ, môi trường sinh thái tại khu vực làng Vân, thị trấn Yaly và các vùng lân cận có dòng suối đá chảy qua để đề xuất giải pháp bảo vệ nếu đưa vào xếp hạng di tích, khai thác phục vụ du lịch kết hợp với các điểm đến như Thủy điện Yaly, núi lửa Chư Đăng Ya...
Huỳnh Nhi