Trong kỳ Olympic mà thể thao Mỹ gặp thách thức lớn ở nhiều môn sở trường, gồm cả TDDC, Suni Lee bất ngờ trở thành người hùng. Cơ hội của cô gái 18 tuổi đến sau khi đồng đội lừng danh Simone Biles rút khỏi các nội dung cá nhân và đồng đội vì vấn đề tâm lý. Lee, từng xếp thứ ba ở vòng loại nội dung toàn năng, đã không bỏ lỡ cơ hội giành HC vàng với tổng điểm 57,433.
Chiến thắng của Lee kéo dài sự thống trị của các VĐV Mỹ tại nội dung toàn năng của nữ. Họ đã giành HC vàng trong năm kỳ Olympic liên tiếp. Nhưng, vinh quang của Lee không khiến nhiều đồng đội bất ngờ. Đầu năm nay, khi đội TDDC Mỹ tập trung trở lại, thành tích của cô gái gốc Á chỉ đứng sau đàn chị Biles. Khi Biles rút lui ở phần thi đồng đội, Lee là người tỏa sáng vơi những bài thi xà lệch, xà đơn và cầu thăng bằng xuất sắc, giúp Mỹ đoạt HC bạc.
Chiến thắng của Lee truyền cảm hứng cho bộ phận người gốc Á ở Mỹ. "Cộng đồng của chúng tôi rất tuyệt. Tất cả đều xem màn trình diễn của tôi và cổ vũ nhiệt tình", Lee nói với phóng viên NBC sau khi đoạt HC vàng hôm 29/7. "Nhiều người trong cộng đồng H’Mông thất bại trong cuộc sống. Tôi muốn họ biết rằng họ hoàn toàn có thể vươn tới giấc mơ. Chỉ cần họ đừng từ bỏ hy vọng".
Lee tên thật là Sunisa Phabsomphou. Mẹ cô là người H’Mông ở Lào nhập cư vào Mỹ. Khi Suni lên hai tuổi, mẹ cô gặp John Lee – người đàn ông vừa ly hôn. Hai người chung sống kể từ đó. Ông John đã làm việc cật lực để nuôi sáu người con, cả con chung và con riêng. Dù cha mẹ không kết hôn, Suni vẫn quyết định đổi sang họ Lee. Trong cuộc phỏng vấn với ESPN năm 2020, tuyển thủ Mỹ tiết lộ ông John là người hỗ trợ nhiệt tình cho sự nghiệp khi cô mới sáu tuổi.
Lee học TDDC ở Little Canada, Minnesota cùng HLV Punarith Koy. "Cô ấy có sức mạnh đáng nể và tốc độ cực nhanh", The Post trích lời Koy sau khi học trò cũ của ông tỏa sáng ở Olympic Tokyo. "Ngày bé, Suni rất hiếu động. Nó chơi với xà đơn và có động tác đánh tay thuần thục bẩm sinh. Mọi động tác của cô bé đều tự nhiên và không có chút sợ hãi nào".
Lee sau đó gặp HLV Jess Graba, người đưa cô trở thành một VĐV chuyên nghiệp và một nhà vô địch quốc gia. "Những cú nhào lộn của Suni thật điên rồ", Graba chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Elle. "Cô bé tập luyện suốt ngày, kể cả ở sân sau nhà. Suni rất dũng cảm và luôn chứng tỏ sự xuất sắc từ khi còn bé".
Năm 2016, Lee gia nhập đội tuyển Mỹ khi mới 14 tuổi. Cô đã đi khắp thế giới để thi đấu và mang về những tấm HC vàng giải trẻ và giải VĐTG. Năm 2018, Lee đoạt HC vàng giải VĐQG nội dung xà lệch. Một năm sau, cô chỉ kém Biles 0,4 điểm trong cuộc thi tuyển chọn đội hình của đội tuyển Mỹ.
Dù là VĐV trọng điểm của thể thao Mỹ, Lee trải qua hai năm khó khăn trước khi tới Tokyo. Cô đã mất cả dì và chú vì Covid-19. Họ là những người chăm sóc khi theo học TDDC từ nhỏ. Chú của Lee là một pháp sư, người đã chữa lành các vết thương ở bàn chân cô bằng các loại thảo dược của người H’Mông. Trước khi chú qua đời, Lee chỉ kịp nói lời từ biệt với ông qua ứng dụng trực tuyến.
Cùng thời điểm hai người thân trong gia đình qua đời, Lee còn phải chăm sóc người cha bị bại liệt đã hai năm. Hai ngày trước khi dự giải VĐQG 2019, Lee nhận tin ông John ngã khi đang trèo lên thang để cắt một cành cây. John bị liệt từ ngực trở xuống và luôn cần người chăm sóc bên cạnh. Lee từng có ý định bỏ Olympic vì tai nạn của cha. HLV Graba khi đó cũng cho rằng cô khó thi đấu tốt ở Tokyo trong tình trạng phân tâm.
Tuy nhiên, ông John đã khuyến khích con gái tham dự. Việc Olympic lùi một năm cũng giúp Lee định thần để đạt phong độ cao nhất trước giải. "Tôi biết đến một ngày con gái sẽ trở thành người hùng của đất nước. Nó sẽ đi vào lịch sử", ông John nói với phóng viên tạp chí Elle khi đang tổ chức tiệc mừng con gái giành HC vàng Olympic. "Chúng tôi từng không có điều kiện cho con bé tập luyện. Tôi phải tự chế một chiếc xà bằng gỗ ở khu vườn sau nhà, vì không đủ tiền mua. Cái xà bây giờ vẫn còn đó".
Ở tuổi 18, Lee có ý định ghi danh vào đại học Auburn tại Alabama hè này. Nhưng trước đó, cô vẫn còn cơ hội tranh HC vàng ở các nội dung cá nhân tại Olympic Tokyo, trong đó có các nội dung thế mạnh là xà lệch và thể dục nhịp điệu.
Vy Anh (theo NY Post)