Thứ tư, 27/11/2024
Thứ ba, 30/7/2019, 10:21 (GMT+7)

Súng thần công bằng đồng ở Đà Nẵng xuất xứ Hà Lan

Hoa văn trang trí trên khẩu súng thần công mới phát hiện ở Đà Nẵng có thể từ Hà Lan, được triều Nguyễn sở hữu cách đây khoảng 350 năm.

Bảo tàng Đà Nẵng vừa tiếp nhận khẩu thần công bằng đồng đầu tiên để đưa vào bảo quản, phục vụ nghiên cứu, trưng bày.

Khẩu thần công này được phát hiện ngày 22/5 tại khu vực bờ biển Xuân Thiều - Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Súng có chiều dài 174,1 cm, trong đó thân dài 160,3 cm và chuôi súng dài 13,8 cm, trọng lượng khoảng 200 kg. Thân súng có hình trụ tròn không đều, nhỏ dần về từ chuôi đến cổ miệng súng, rồi nở ra ở loa miệng súng. Toàn thân có 3 bộ phận: khoang nạp thuốc nổ, bầu và nòng súng.

Trên thân súng không ghi niên đại và nơi sản xuất. Bảo tàng Đà Nẵng đã mời nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Huế) tìm hiểu và đưa ra những thông tin bước đầu.

Phía chuôi súng ở vị trí chính giữa là lỗ ngòi để nhét dây dẫn lửa hoặc đổ thuốc mồi, rộng từ 7 đến 8 mm, có gờ viền quanh hình vuông để giữ thuốc mồi. Bên phải lỗ ngòi có thêm một lỗ thoát khí rộng 3 mm.

Bầu súng là nơi chứa quả đạn khi bắn, tiếp giáp và thông với buồng nạp thuốc súng. Mặt trên của đoạn này là một khối hoa văn hình ô-van được đúc nổi, có tâm là hình chim phượng hoàng xòe cánh đạp chân trên ngọn sóng.

Viền quanh hình chim phượng là hai nửa vòng tròn sóng nước cách điệu ôm dải hoa văn hình các hoa thị 4 cánh xếp nối tiếp nhau, ngoài cùng là hoa văn vòng nguyệt quế và hoạ tiết hoa tulip (được xem là biểu tượng của Hà Lan).

Đoạn gia cố bầu súng ở phía trên với điểm nhấn mặt trên là hai quai súng đối xứng nhau đúc liền vào thân, hơi ngả ra hai bên. Nhìn qua quai có dạng vảy rồng, tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến đây là hình con cá heo cách điệu, với đuôi và miệng gắn vào thân súng, tương tự như quai khẩu súng thần công Hà Lan đúc vào thế kỷ XVII, cũng thuộc sở hữu của triều Nguyễn đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Bên dưới quai súng là hai trục quay hình trụ tròn đặc, đối xứng nhau, có chức năng để gác súng lên hai thành giá súng, và điều chỉnh tầm bắn lên xuống tùy theo cự ly mục tiêu.

Mặt ngoài trục quay có khắc thêm các chữ Hán, hướng dẫn cách sử dụng như lượng thuốc súng cho mỗi lần bắn, chỉ dẫn chỉnh lại trục quay sau mỗi lần bắn.

Trên nòng súng ở một số vị trí được đúc các hoạ tiết trang trí bao quanh. Ngoài hình hai con phượng hoàng châu đầu vào nhau phía trên quai súng, còn có các hoạ tiết khác như hoa hồng 6 cánh, quả lựu.

Căn cứ kiểu dáng, cấu tạo các bộ phận của súng, kỹ thuật đúc hoa văn nổi và các biểu tượng trang trí,... nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho rằng khẩu thần công bằng đồng này có xuất xứ từ Hà Lan, nhưng được triều Nguyễn sở hữu và có niên đại khoảng 350 năm.

"Tuy chúa Nguyễn không có quan hệ mua bán súng thần công với Hà Lan nhưng một số súng của Hà Lan vẫn nằm trong tay chúa Nguyễn, do lấy được từ chiếc tàu Kemphaan mắc cạn gần khu vực quần đảo Hoàng Sa năm 1633, hoặc từ tàu Der Gooes bị đắm ở bờ biển Đàng Trong năm 1661, hay là những giao dịch mua bán, biếu tặng khác", ông Tiến nói.

Đầu nòng có đai miệng súng với hai vòng hoa văn.

Thời Nguyễn, số lượng súng đồng được trang bị tại Đà Nẵng khá phong phú, nhưng ở các vị trí bị đánh chiếm giai đoạn 1858-1860, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã tịch thu tất cả súng bằng đồng đem xuống tàu đưa về Pháp, còn súng gang và sắt thì "đóng đinh" vào nòng và phá gãy trục quay để chống tái sử dụng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến nói, khẩu thần công bằng đồng này còn sót lại ở Đà Nẵng có thể được quân đội triều Nguyễn đem từ thành Điện Hải, trong cuộc rút lui khuya ngày 1 và sáng 2/9/1858 trước khi thất thủ, rồi gặp sự cố giữa đường. Hoặc binh sĩ ở lại vị trí ven biển để tiếp tục chiến đấu nhưng bị pháo hạm đối phương tiêu diệt và bị vùi lấp nên súng không bị rơi vào tay giặc.

Nguyễn Đông