Chuyển gần chục triệu đồng vào tài khoản mang tên một người phụ nữ ở Châu Đốc (An Giang) để mua một số công cụ hỗ trợ trong đó có dùi cui điện, ông Nguyễn Thanh Hưng (giám đốc một công ty chuyên kinh doanh về đồ gỗ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) mới biết mình bị lừa.
Vị giám đốc 50 tuổi kể, một lần lang thang trên mạng ông đã mở đường link quảng cáo chuyên mua bán súng, kiếm, dùi cui điện. Từng có ý định mua một số mặt hàng trên để trang bị cho lực lượng bảo vệ, ông liên lạc theo số điện thoại ghi trên đó và được một người đàn ông tư vấn kĩ lưỡng.
"Anh ta nói với tôi những công cụ hỗ trợ xuất hiện trên trang là sản phẩm của Bộ Quốc phòng, đang được "lực lượng 141" ở Sài Gòn sử dụng khá nhiều. Nếu tôi mua sẽ được cấp hóa đơn đỏ, sau đó dễ dàng đến công an xin giấy phép sử dụng", ông Hưng chia sẻ.
Ông Hưng cho biết trước khi bỏ tiền ra mua cũng biết việc người dân không được phép sử dụng dùi cui điện. Tuy nhiên, với ý nghĩ hàng cấm mà họ dám đưa lên mạng chắc đã được phép và tin không có chuyện lừa đảo nên ông chuyển 8,5 triệu đồng vào tài khoản 0471000... theo yêu cầu của bên bán.
Đúng hẹn không thấy hàng chuyển đến, ông Hưng gọi điện nhiều lần và nhận được câu trả lời: "Mày ngu thì chết chứ sao". Ấm ức, vị khách liên hệ với công an phường tại quận 5, TP HCM (nơi trang web giới thiệu đặt showroom) và được nhà chức trách cho hay ở đây không có công ty nào như vậy.
"Tôi nhiều lần mua hàng trên mạng nên cũng có kinh nghiệm. Lần này, do quá tin tưởng sau cuộc trao đổi điện thoại nên bị mắc lừa", ông Hưng nói.
Tìm hiểu của VnExpress.net, việc tiếp cận việc mua bán các loại công cụ hỗ trợ như súng, roi điện, dùi cui điện, dao kiếm... hiện nay không mấy khó. Chỉ cần gõ cụm từ "súng điện", "roi điện" "bán hàng nóng" sẽ cho một loạt các trang web cung cấp.
Một trang web ghi "chuyên cung cấp các loại công cụ hỗ trợ, súng quân dụng, đao kiếm, dùi cui điện, còng số 8... đầy đủ chủng loại, giá cả phải chăng, phục vụ mọi lứa tuổi và thành phần trong xã hội", báo giá bình xịt hơi cay 350.000 đồng (loại 110ml), đèn pin chích điện 700.000-900.000 đồng, súng bắn điện giá 2,5 triệu đồng...
Một số trang khác, ngoài giới thiệu hàng còn có thêm quảng cáo như "giúp bạn an tâm hơn khi vận chuyển nhưng món hàng hóa có giá trị cao trên đường, hoặc thường xuyên đi làm về khuya trên nhưng con đường vắng mà nơi đó thường xuyên xảy ra cướp, hiếp. Đây là sản phẩm dễ dàng mang theo trong người phòng ngừa được nhiều nguy cơ xảy ra".
Một người biết liên lạc đến một trong những số điện thoại đăng trên các trang web dạng này, anh gặp người đàn ông xưng tên Long. Đầu tiên, Long rụt rè nói đây là hàng cấm không được phép sử dụng công khai.
Sau hồi trò chuyện, người này dần cởi mở bảo: "Em cứ xem hết các sản phẩm trên trang đi. Ngoài roi điện em có thể mua súng phóng điện giá 3,5 triệu đồng, giá không hơn nhau bao nhiêu. Sau 2-3 ngày hàng sẽ giao tận nơi", Long nói và cho biết thêm súng phóng điện có thể bắn trong chục mét trở lại, hung thủ sẽ ngã ngay tại chỗ và không có khả năng chống cự.
Khác với Long, chủ nhân số điện thoại 0916.8... không vòng vo khi trao đổi với khách và cho biết "có thể sử dụng một cách bình thường". Anh ta khẳng định nếu khách ở Hà Nội, sau khi cung cấp địa chỉ, số điện thoại và chuyển tiền qua tài khoản hàng sẽ được chuyển đến tận tay sau 2 ngày.
Để khách hàng tin hơn, Long nhắn tin: "Đơn hàng của bạn sẽ bị xóa nếu trong 24h không giao dịch. Bạn chuyển tiền vào ngân hàng Vietcombank chi nhánh TP HCM theo số tài khoản 007100... Phí 50.000 đồng".
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo Tổng cục 7 (Bộ Công an) cho biết các loại công cụ hỗ trợ được quản lý nghiêm ngặt, không phải ai cũng được sử dụng. "Người dân bình thường không được phép. Chỉ có công an, quân đội, bảo vệ các cơ quan doanh nghiệp nhà nước... đã được tập huấn và có giấy phép mới được sử dụng", vị này nói.
Phía công an cho biết đây là mặt hàng cấm nên khi bị phát hiện có hành vi mua bán trái luật sẽ bị xử lý hình sự. Người bị lừa tiền có thể gửi đơn để cơ quan công an có cơ sở làm rõ vụ việc.
Theo khoản 9 Điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, công cụ hỗ trợ còn bao gồm các loại sau: - Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này; - Các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; - Các loại lựu đạn khói, lựu đại cay, quả nổ; - Các loại dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn; - Động vật nghiệp vụ. Theo Nghị định 25/2012/NĐ-CP, thủ tục cấp Giấy phép mua công cụ hỗ trợ gồm: 1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép mua công cụ hỗ trợ lập thành 1 bộ. Hồ sơ gồm: a) Văn bản đề nghị mua công cụ hỗ trợ. b) Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. c) Quyết định thành lập lực lượng bảo vệ chuyên trách (áp dụng đối với các cơ quan, doanh nghiệp thành lập lực lượng bảo vệ chuyên trách). d) Giấy giới thiệu của người đến liên hệ. Người có tên trong Giấy giới thiệu có trách nhiệm xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ. 2. Nơi tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy phép mua công cụ hỗ trợ a) Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy phép mua công cụ hỗ trợ cho cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được phép đào tạo nhân viên bảo vệ. b) Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy phép mua công cụ hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương. Trong thời gian 04 ngày làm việc, cơ quan Công an có thẩm quyền phải cấp Giấy phép mua công cụ hỗ trợ theo quy định. 3. Thời hạn của Giấy phép mua công cụ hỗ trợ là 15 ngày. |
Hà Anh
* Tên nạn nhân đã được thay đổi.