Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân cho biết bao quy đầu bị viêm, sưng đỏ, ngứa rát kéo dài suốt 6 tháng. Các biểu hiện rõ hơn khi quan hệ tình dục, gây mệt mỏi, giảm ham muốn, dễ cáu bẩn.
Ngày 18/11, bác sĩ Dương Khánh Duy - Khoa Nam học và Y học giới tính, cho biết người bệnh có thể trạng béo, lớp mỡ trước xương mu dày, da bao quy đầu dài và có biểu hiện viêm trợt dù bệnh nhân có vệ sinh thường xuyên.
Kết quả khám người bệnh bị rối loạn chuyển hóa nặng. Các chỉ số mỡ máu như cholesterol, triglyceride đều rất cao, đường máu trong tĩnh mạch cao. Đặc biệt, nồng độ hormone nam giới testosterone giảm thấp, chỉ còn 6,77 nmol/L (giới hạn bình thường là 8,64 - 29nmol/L).
"Bất thường của bao quy đầu chỉ là dấu hiệu cảnh báo cho hàng loạt các biến chứng gây ra do hội chứng rối loạn chuyển hóa, suy giảm hormone", ông Duy nói.
Bác sĩ kê thuốc và hướng dẫn vệ sinh bao quy đầu, bổ sung hormone testosterone, phối hợp khám và điều trị chuyên khoa Nội tiết chuyển hóa.
Viêm bao quy đầu là vấn đề thường gặp, chiếm 12-20% nam giới ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân thường gặp kích ứng, dị ứng, nhiễm khuẩn, qua trung gian tự miễn dịch và thứ phát sau chấn thương hoặc các bệnh lý ác tính.
Nếu tình trạng viêm nhiễm tái phát, kéo dài thì cần nghĩ đến bệnh rối loạn chuyển hóa. Lượng đường trong máu cao làm tổn thương mạch máu thần kinh, tổn thương bao quy đầu dẫn đến viêm. Người bệnh có nhiều bệnh nền kết hợp khiến tình trạng viêm bao quy đầu trầm trọng hơn.
Tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ phản ứng viêm mạn tính, kết hợp với việc ứ đọng nước tiểu do bao quy đầu dài là điều kiện thuận lợi cho các nhiễm khuẩn.
Các biểu hiện ban đầu là giảm ham muốn, viêm nhiễm, tăng khối mỡ và giảm khối cơ nạc. Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến hàng loạt các triệu chứng quan trọng hơn bao gồm: các biến cố tim mạch, hôn mê do đái tháo đường, viêm loét các bộ phận cơ thể.
Bác sĩ khuyến cáo nam giới trên 40 tuổi nên tầm soát các bệnh lý mạn tính thường quy và làm xét nghiệm testosterone để phát hiện và xử trí bệnh sớm, tránh biến chứng lâu dài.