Lễ khởi công dự án xây dựng sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) diễn ra sáng 10/12. Sân bay Gia Bình được xác định là công trình hướng tới lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Dự án do Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) làm chủ đầu tư, được thi công bởi Tập đoàn Sun Group - doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công sân bay quốc tế Vân Đồn.
Cả nước đang xây dựng hệ thống sân bay ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, ngoài ý nghĩa kinh tế còn góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, với các sân bay lưỡng dụng (vừa khai thác dân dụng, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh). Sân bay Gia Bình cũng được định hướng phát triển như vậy.
Tại sự kiện Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ triển khai nhanh giai đoạn 1 của dự án, đồng thời làm ngay các hồ sơ, thủ tục để thực hiện giai đoạn 2. Theo đó, dự án cần đảm bảo yêu cầu "3 nhất", gồm: thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất và giá thành rẻ nhất, qua đó, góp phần phòng chống tiêu cực, lãng phí, nhanh chóng đưa công trình vào khai thác.
Phía nhà thầu thi công Tập đoàn Sun Group tập trung triển khai xây dựng đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và không được đội vốn, không được để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, đảm bảo vệ sinh, an toàn, môi trường theo đúng tiêu chuẩn sân bay quốc tế cấp 4E.
Đại diện nhà thầu thi công, ông Trần Minh Sơn - Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn Sun Group cam kết, nếu mọi việc diễn ra trong điều kiện thuận lợi, đơn vị sẽ hoàn thành xây dựng sân bay cả hai giai đoạn trong 12 tháng.
Thời gian qua, việc hoàn thiện thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Gia Bình đã được tiến hành nhanh gọn trong 3 tháng. Đại diện Ban Quản lý các dự án xây dựng huyện Gia Bình (Bắc Ninh) cho biết, Bộ Công an đã tham gia chỉ đạo để giải phóng mặt bằng nhanh chóng, chính quyền tuân thủ đúng quy định pháp luật, kiên trì vận động, thuyết phục người dân. Đây là một trong số ít các dự án được phần lớn người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Theo đó, chỉ trong vòng 1,5 tháng, 697 hộ dân đã tình nguyện hiến đất xây sân bay, di dời 982 ngôi mộ, 4 nghĩa trang liệt sĩ cũng như toàn bộ hạ tầng điện, nước, trường học. Dự kiến công tác bố trí tái định cư sẽ hoàn thiện nhanh chóng trong 6 tháng tới. Người dân tới nơi ở mới với hạ tầng điện nước, trường học khang trang, sạch đẹp hơn.
Bên cạnh việc phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh của đất nước, sân bay Gia Bình còn giúp Bắc Ninh phát triển kinh tế. Việc kết nối Bắc Ninh với cả nước sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội, giao thương thuận lợi.
Theo định hướng, Gia Bình sẽ phát triển hệ sinh thái sân bay, trong đó có hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao. Sây bay Gia Bình sẽ giúp các sản phẩm công nghệ cao của Bắc Ninh tại các nhà máy, khu công nghiệp tới tay người tiêu dùng trên cả nước và xuất khẩu ra quốc tế nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Cùng với quá trình xây dựng sân bay, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu một tuyến đường ngắn nhất kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội, có chiều dài dự kiến 30 km, rộng 80-100m, với phương châm "ngắn nhất, hiện đại nhất, đẹp nhất". Chậm nhất trong tháng 6/2025 phải có phương án đầu tư xây dựng.
Sân bay Gia Bình là sân bay chuyên dùng, quy mô dự kiến rộng 245 ha, chiều dài đường băng 3.050 m, tổng mức đầu tư dự kiến 9.000 tỷ đồng. Sân bay sẽ phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Không quân công an nhân dân, dự bị cho hoạt động bay của Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng), dự bị cho các cảng hàng không, sân bay trong khu vực khi có tình huống khẩn cấp; định hướng đảm bảo hoạt động của các chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính khách quốc tế trên các loại tàu bay cánh bằng loại lớn. Khi đủ điều kiện, sân bay sẽ thực hiện chức năng vận tải hàng hóa, hành khách.
Ngoài hạng mục đường băng, sân đỗ, các công trình quản lý điều hành bay, tại đây sẽ có khu doanh trại của Trung đoàn không quân công an nhân dân.
Song Anh