Mùa hè năm 1999, tỷ phú Teddy Forstmann hoàn tất việc bán Gulfstream, một trong những nhà sản xuất chuyên cơ hàng đầu thế giới, cho General Dynamics. Ông mua hãng này năm 1990 với giá 850 triệu USD, khi bức tranh kinh doanh đang rất ảm đạm và biến nó thành một công ty đại chúng có giá trị 5,3 tỷ USD chỉ 5 năm sau đó, rồi bán lại.
Ban lãnh đạo Gulfstream, những người được hưởng lợi lớn từ thỏa thuận này, hỏi Teddy rằng họ có thể tặng ông thứ gì để tỏ lòng biết ơn. Nhà tỷ phú suy nghĩ một thời gian và muốn có một cái G Five giá 40 triệu USD.
G Five là máy bay Gulfstream V - dòng biểu tượng của hãng. Khi rời đi, người từng dẫn dắt hãng Gulfstream lớn mạnh chỉ mong muốn sở hữu một sản phẩm đã làm nên tên tuổi của hãng. Thời gian, đó là điều mà mà Teddy Forstmann ám ảnh và chính là lý do ông nhìn thấy triển vọng của hãng sản xuất chuyên cơ này. Các nhà đầu tư huyền thoại cũng tin rằng chuyên cơ không phải là chuyện khoe mẽ, một thị trường hàng chục tỷ USD cho chuyên cơ đang dần hình thành.
Việt Nam cũng bắt đầu tham gia vào thị trường này khi Sun Group tuyên bố ra mắt hãng hàng không chung cao cấp Sun Air đầu năm 2022. Một trong những lĩnh vực kinh doanh tập trung của hãng này sẽ là các chuyến bay chuyên cơ đặt riêng (charter private jet). Dự kiến giai đoạn đầu tiên, họ sẽ khai thác hai tàu và nâng lên 7 chiếc trong vài năm tới.
Triển vọng của thị trường chuyên cơ
Những chuyến bay cá nhân hóa (private jet) hay là chuyên cơ đang được kỳ vọng trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế. Bởi hành khách đi chuyên cơ là những người có thu nhập cao, sẵn sàng chi trả để trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất. Khi số lượng người trong giới nhà giàu ngày một tăng, thị trường này giàu tiềm năng phát triển.
Chia sẻ trên Forbes vào năm 2019, nhà nghiên cứu Doug Gollan, người dành hàng thập kỷ theo dõi sự phát triển của ngành private jet tại Mỹ, chứng minh rằng một chuyến chuyên cơ có thể mang lại nhiều giá trị hơn một chuyến Boeing 737 lấp đầy hành khách.
Theo số liệu của Gollan, hành khách trên mỗi chuyến chuyên cơ tiêu 85.000 USD (gần 2 tỷ đồng) cho mỗi lần hạ cánh xuống một vùng đất. Một thống kê của Hiệp hội hàng không thương gia Mỹ (NBAA) năm 2019, việc xuất hiện của một chuyên cơ mang lại ngay 2,5 triệu USD cho một vùng đất. Chúng không chỉ đến từ việc chi tiêu của các hành khách sau khi máy bay hạ cánh mà tạo ra nhiều việc làm, từ phi công, tiếp viên, kỹ thuật viên, nhân viên mặt đất cho đến các kỹ sư và nhân viên văn phòng.
Tất nhiên, những đóng góp này đến từ hầu bao của các hành khách thượng lưu. Để chi trả cao cho việc di chuyển, những lợi ích mà các cá nhân này thu về cũng tương đương, hoặc lớn hơn so với những gì họ bỏ ra. Mỗi chuyến bay cá nhân có thể tiết kiệm nhiều tiếng đồng hồ so với việc làm thủ tục ở sân bay - thời gian này được đầu tư cho việc giải quyết công việc. Hoặc ngược lại, nếu một cuộc họp kéo dài, một CEO vẫn yên tâm rằng máy bay đang chờ mình ở sân bay, thay vì phải hủy chuyến, đổi vé và chờ đợi chuyến bay thương mại tiếp theo.
Không gian của chuyên cơ cũng cho phép hành khách được tiếp tục làm việc. Sự linh hoạt thời gian và tiện nghi thực chất luôn trở thành tài nguyên để các thương nhân tiếp tục biến thành giá trị kinh tế. Đó là lý do mà ngay cả những người đầy danh tiếng và hình ảnh, không đề cao vẻ ngoài, vẫn sử dụng chuyên cơ như phương tiện di chuyển chính: các cựu tổng thống Bill Clinton, Barrack Obama, các học giả Nobel, các nhà khoa học Havard.
"Tôi mua nó để tiết kiệm thời gian", tỷ phú Mark Cuban, nhà đầu tư huyền thoại trên Shark Tank nói về quyết định mua một chiếc Gulfstream V. Ông mua máy bay riêng qua Internet và không bay thử chuyến nào. Ông chỉ cho phi công riêng bay thử một chuyến để kiểm tra.
"Tôi tin rằng thời gian là thứ tài sản quý giá nhất mà chúng ta không thể sở hữu được. Bất kể thứ gì tôi có thể dùng để có thêm thời gian dành cho gia đình mình, là một thắng lợi", ông nói.
Tầm nhìn của Sun Group
Các hạ tầng dịch vụ cho giới thương nhân, hành khách hạng sang hay nói chung là "tập khách chi trả cao" từ lâu đã là hướng phát triển của nhiều vùng đất tại Việt Nam. Đó cũng là tầm nhìn của Sun Group khi ra đời hãng hàng không Sun Air, chuyên khai thác các chuyến chuyên cơ.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group khẳng định rằng Sun Air sẽ là "sản phẩm đi trước đón đầu, dẫn dắt xu hướng và ghi tên Việt Nam lên bản đồ du lịch cao cấp thế giới". Hãng này nhận định rằng cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, khả năng đáp ứng cho khách hàng cao cấp của ngành du lịch Việt Nam (mà chính Sun Group góp phần tạo dựng), nhu cầu về các chuyến bay cá nhân hóa đang hình thành và sẽ sớm trở thành một thị trường trọng yếu trong tương lai.
Khai thác chuyên cơ là mảnh ghép mới nhất trong "bức tranh" mà Sun Group dày công hoàn thiện gần 15 năm qua tại Việt Nam - một hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí - bất động sản cao cấp. Tại nhiều vùng đất, Sun Group xây dựng hạ tầng lưu trú, nghỉ dưỡng và giải trí hướng tới tập khách chi trả cao. Đó là những resort được tôn vinh là "Đẹp nhất châu Á", thậm chí là "sang trọng hàng đầu thế giới" bởi các tổ chức uy tín, những công viên chủ đề được thiết kế bởi các cựu thành viên Disneyland và những bất động sản ven biển được chắp bút bởi các kiến trúc sư hàng đầu thế giới.
Không phải bây giờ Sun Group mới mơ đến bầu trời. Doanh nghiệp này có sân bay Vân Đồn - sân bay đầu tiên của Việt Nam được xây dựng bằng vốn tư nhân. Sun Air sẽ là nét vẽ mới nhất để hoàn thiện hệ sinh thái này.
Sun Air sẽ sử dụng máy bay Gulfstream. Trên thế giới, Gulfstream là cái tên định danh cho những chiếc phi cơ siêu tốc độ, bay xa hơn và nhanh hơn bất kỳ chuyên cơ nào, an toàn và tiện nghi như những dinh thự bay, bà Lê Thúy Thanh Bình, Tổng giám đốc Sun Air chia sẻ trong ngày ra mắt thương hiệu. Họ dự kiến sẽ có 7 chiếc trong năm 2025.
Bên cạnh những chuyến chuyên cơ, Sun Air cũng sẽ phục vụ tập khách hạng sang bằng các tàu thủy phi cơ và trực thăng, vẫn hướng tới việc biến tiện nghi thành một thứ hàng hóa thiết yếu cho một lối sống mới đang hình thành.
Tâm Anh