Reis có mặt gần vạch đích của giải chạy thường niên Boston Marathon (Mỹ) trong thời khắc hai quả bom phát nổ, hôm 15/4/2013.
Khi quả bom đầu tiên nổ, anh đứng cách vạch đích chỉ hơn 30 mét. Thủ môn 39 tuổi cõng cậu con trai 6 tuổi tên Jacob trên vai, đứng đó đợi vợ Nicole hoàn thành cuộc đua.
Trong buổi trò chuyện với các phóng viên nhân dịp quay lại với Boston Marathon hôm 21/4, Reis nghẹn lời khi hồi tưởng lại ký ức đau thương. "Với tôi, đó là một ngày không thể nào quên, và thực sự đã làm thay đổi cuộc sống của tôi, những người thân yêu và nhiều người khác có mặt tại Boston Marthon 2013", anh nói. "Quả bom đầu tiên nổ tựa như một phát đại bác. Nhưng ngay lúc đó tôi chưa biết có chuyện xấu xảy ra, chỉ tự thắc mắc rằng sao cuộc đua chưa xong mà ban tổ chức lại có hiệu lệnh báo kết thúc".
Và rồi nhiều người bắt đầu chạy tán loạn. Riêng Reis quyết định trụ lại để giúp đỡ người thân và một số nạn nhân khác. Hành động đó của Matt Reis về sau được ghi nhận bằng danh hiệu "Thủ môn Nhân đạo của giải bóng đá nhà nghề Mỹ năm 2013".
Sau tiếng bom thứ hai, Reis đoán vụ khủng bố xảy ra ngay gần khu vực anh và một số người thân cùng bạn bè đứng xem giải đua. Anh lập tức đi tìm cha vợ. Ông John Odom nằm bất động trên mặt đường, xung quanh đó hầu như chỗ nào cũng có vết máu.
Reis phải lột áo khoác và tháo dây lưng của mình để quấn chặt cầm máu cho bố vợ. Chính thao tác nhanh nhẹn đầy kinh nghiệm của một cầu thủ đó đã góp phần quan trọng cứu sống ông Odom. Hai chân của ông đều dính mảnh bom, động mạch đứt làm mất nhiều máu khiến tim ông hai lần ngừng đập khi được gia đình đưa tới bệnh viện Boston.
Mattin Reis nhớ lại: "Hồi đó các bác sĩ không dám chắc có thể giữ được đôi chân cho bố vợ tôi, liệu ông có thể đi đứng trở lại và mức độ tổn thương của não, bởi ông đã tắt thở trên bàn cấp cứu khoảng 10 phút. Nhưng ngay lúc đó tôi đã nhủ mình phải nghĩ tới những điều tích cực, không liên tưởng tới những thứ tồi tệ nhất có thể xảy tới và tin rằng bố vợ tôi sẽ vượt qua được thời khắc hiểm nghèo của cuộc đời".
Ông Odom bất tỉnh 10 ngày, ở trong tình trạng nguy kịch tới hai tuần và trải qua 11 ca phẫu thuật. Ông là nạn nhân cuối cùng trong vụ nổ bom được rời bệnh viện, và hiện tại mới tập đi trở lại.
Reis đã có 11 mùa giải cống hiến cho CLB New England Revolution trước ngày chứng kiến thảm cảnh tại Boston Marathon 2013, nhưng chừng đó thời gian gắn bó với sân cỏ cũng không đủ giúp anh có thể nhanh chóng tập trung trở lại với bóng đá sau vụ nổ bom. Nhưng dần dần, cảm giác gần gũi thân thuộc mỗi khi ngồi trong phòng thay đồ cùng các đồng đội đã giúp anh lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống bóng đá.
Reis bắt đầu sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp trong sắc áo Los Angeles Galaxy năm 1998, trước khi thi đấu 255 trận cho Revolution và hai lần khoác áo đội tuyển Mỹ. Sau vụ Boston Marthon bị đánh bom, anh xa sân cỏ khoảng 4 tháng để ổn định tâm lý trước khi trở lại đội hình chính và giúp CLB vào vòng chung kết giải bóng đá nhà nghề Mỹ hồi tháng 8 năm ngoái. Anh chia tay sân cỏ hồi tháng 12 năm ngoái do chấn thương, quay lại Los Angeles Galaxy làm HLV thủ môn để được sống gần gia đình ở nam California.
Anh lúc này luôn ra sân tập với chiếc áo số 1 có ghi tên bố vợ "Odom" ở sau lưng. Reis cho biết sức mạnh tinh thần của ông là nguồn động lực lớn với anh trong cuộc sống và sự nghiệp. "Ông ấy chính là tấm gương sáng cho thấy rằng mọi người có thể vượt qua bất kỳ khó khăn nào nếu có ý chí", anh nói.
Ông John Odom cùng Reis đã trở lại Boston Marathon hôm 21/4, với ước muốn gửi thông điệp mạnh mẽ tới những kẻ muốn tìm cách gây rắc rối cho thế giới. "Tôi và cha muốn cho cả thế giới biết rằng những kẻ luôn cố tìm cách gây đau thương và rắc rối cho người khác sẽ không bao giờ có thể chiến thắng".
Minh Tần