Sự kiện mang tên "Tictac Saigon", là triển lãm đầu tiên của Phạm Luận về TP HCM, diễn ra từ ngày 24 đến 31/10, tại 159 Đồng Khởi, quận 1. Gần 30 tranh sơn dầu khắc họa các điểm đến nổi tiếng của thành phố, như Bưu điện trung tâm, bến Bạch Đằng, phố Đồng Khởi - Nguyễn Huệ. Các tác phẩm của họa sĩ cũng được Bến Thành Art Gallery in trong một ấn phẩm riêng ra mắt tại triển lãm. Cảnh nhóm bạn trẻ trượt patin trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Họa sĩ cho biết muốn ghi lại sức sống mới của thành phố sau gần hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ban đầu, ông định đặt tên triển lãm "Nhịp điệu", sau đó một số thành viên trong êkíp gợi ý đặt tên "Tictac Saigon" để nhấn mạnh vào vẻ đẹp khoảnh khắc của thành phố. Nhóm bạn trẻ nhảy hiphop bên sông Sài Gòn. Phạm Luận bắt đầu vẽ những bức đầu tiên trong bộ sưu tập vào năm 2021, những ngày ở nhà tại Hà Nội. Sau khi hết giãn cách, ông nhiều lần bay vào TP HCM tìm thêm nguồn cảm hứng. Có những ngày ông ngồi hàng giờ ở công viên 30/4, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn... nhìn các nhóm thanh niên tụ tập nhảy múa, chụp ảnh và cảm nhận sinh khí của thành phố. "Với tôi, đó là một Sài Gòn trẻ trung, năng động, luôn mở rộng và tiếp nhận các xu hướng nghệ thuật mới", họa sĩ nói. Họa sĩ sử dụng màu sắc, hình khối để khắc họa tính chuyển động của chủ thể trong tranh. Với ông, những động tác giàu năng lượng đó là sợi dây liên kết cảm xúc của con người và văn hóa đô thị. Khung cảnh nhóm bạn trẻ trước Continental - một trong những khách sạn lâu đời nhất Sài Gòn, được vẽ từ góc bậc thang của Nhà hát Thành phố. Giới trẻ tụ tập lướt ván, đi dạo trước đài phun nước ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Lần đầu vẽ về Sài Gòn, tác giả bắt gặp nhiều cảm xúc mới lạ. Nếu Hà Nội - mảng tranh chủ đạo của Phạm Luận - bảng lảng hoài niệm, Sài Gòn hiện lên với không gian khoáng đạt, công trình kiến trúc hiện đại, con người năng động, giàu khí khái. Tòa nhà Landmark 81 - biểu tượng mới của TP HCM - soi bóng xuống sông Sài Gòn. Bến Bạch Đằng - điểm tập trung ưa thích của người dân ở quận 1. Triển lãm cũng đánh dấu 50 năm Phạm Luận vào nghề, kể từ năm 1972 - lần đầu ông cầm cọ khi bước vào quân ngũ. Một góc Nhà thờ Đức Bà sau cơn mưa chiều. Ở tuổi gần 70, Phạm Luận gặp nhiều trở ngại sức khỏe với bệnh thấp khớp. Vài năm gần đây, bác sĩ không cho phép ông đứng, bắt buộc ngồi khi vẽ. Mỗi lần vào TP HCM công tác, ông phải mang theo thuốc giảm đau. Mỗi lần vẽ các tranh khổ lớn, cần phải đứng, ông nén đau để sáng tác. Họa sĩ nói: "Dù vậy, nỗi đau được xoa dịu mỗi lần tôi hoàn thành những tác phẩm ưng ý". Họa sĩ Phạm Luận trong buổi ra mắt triển lãm hôm 24/10 tại TP HCM. Ông sinh năm 1954 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, ông thành danh với nghiệp họa sĩ nhờ tự học. Ông theo đuổi phong cách hội họa ấn tượng, thành công chính trong đề tài về Hà Nội. Tranh của ông thể hiện cảm xúc gắn bó của con người với thiên nhiên, dù ở ngoại ô hay đô thị. Ông có tác phẩm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từng tổ chức triển lãm tại London, Hong Kong, New York, Sydney... Mai Nhật (ảnh: Bến Thành Art)