Thứ sáu, 19/4/2024
Chủ nhật, 21/5/2023, 14:41 (GMT+7)

Sức sống đô thị Sài Gòn qua tranh

Người dân chờ đèn đỏ khi đi làm trong nắng sớm, công viên Tao Đàn ngát xanh hiện lên trong tranh vẽ theo phong cách tả thực.

Công viên Tao Đàn (quận 1) một buổi sáng sớm năm 2020, qua nét vẽ sơn dầu của họa sĩ Ngô Đồng. Tác phẩm được trưng bày tại triển lãm "Hiện thực đa chiều" của ông tại Bảo tàng Mỹ thuật, diễn ra từ ngày 20 đến 30/5. Trong hơn 80 bức được giới thiệu, họa sĩ dành phần lớn đề tài sáng tác về cuộc sống Sài Gòn để tri ân thành phố gắn bó hơn 40 năm.

Khung cảnh một ngã tư trong bức "Nắng mai trong phố" - vẽ năm 2020. Từng theo đuổi trường phái siêu thực, 15 năm qua, ông tập trung vào phong cách hiện thực vì cảm nhận cuộc sống ngày càng đẹp, bình yên hơn. "Tôi vứt hết các bức vẽ siêu thực trước đó - trừ những bức đã bán. Tôi tìm thấy mình rõ nhất trong tranh hiện thực, bắt nguồn từ đời sống thật", Ngô Đồng nói.

Góc đường Công xã Paris, cạnh Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn năm 2008. Nhiều bức ông thể hiện bằng lối vẽ cực thực - mô phỏng chính xác trong thực tế với độ chi tiết cao.

"Ngã tư", tranh sơn dầu vẽ năm 2008. Tác giả nói ông thường vẽ tranh rất lâu vì có thói quen chỉnh sửa nhiều. Nếu hoàn thành quá nhanh, họa sĩ thường nghi ngờ bản thân và tự kiểm tra lại. Mỗi năm, ông chỉ vẽ được khoảng 10 bức.

Một nữ du khách ngồi nghỉ trên bậc cầu thang Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM năm 2017. Đôi khi, những khoảnh khắc đời thường thoáng qua được ông ghi nhớ và trở thành nguồn cảm hứng sáng tác.

Không gian tĩnh lặng của một quán cà phê năm 2016. Họa sĩ dành 10 giờ mỗi ngày để vẽ. "Đi chơi không làm tôi thấy thoải mái bằng việc được ngồi ở nhà và sáng tác", ông nói.

"Ký ức về một quán cafe" năm 2019, được vẽ theo phong cách đơn sắc. Theo nghề từ thập niên 1970, Ngô Đồng cho biết ban đầu, ông gặp khó khăn khi vẽ tranh hiện thực vì thời điểm đó, đa số họa sĩ không chấp nhận thể loại này. Họ theo đuổi lối hậu ấn tượng, phảng phất kiểu tranh Ðông Dương, lược giản chi tiết, kết hợp với vẻ đẹp dân gian.

"Tuy nhiên, đến một ngày, tôi nhận ra, chỉ có thiên nhiên, cuộc sống sinh động mỗi ngày ngoài kia mới thật sự đẹp, như khoảnh khắc một cô gái chạy xe máy tóc bay tung, hay mặt nước lung linh ánh mặt trời. Tôi muốn mọi người cảm nhận được dễ dàng điều mình muốn nói, không cần nghĩ ngợi rắc rối", Ngô Đồng cho biết.

Bóng dáng những người trẻ đi tìm việc, mưu sinh trên đường phố Sài Gòn trong bức "Đợi" - năm 2011.

Nét đẹp lao động đi vào nhiều tác phẩm của Ngô Đồng, như bức "Cô gái bán hủ tíu" - năm 2022.

"Nữ sinh" - sáng tác năm 2008.

Thỉnh thoảng, ông ngẫu hứng với dòng tranh tĩnh vật, như bức "Đi qua đại dịch" - năm 2021.

Ngắm bức "Nắng xuân" (năm 2022) trong buổi khai mạc hôm 20/5, khán giả Hà Nguyễn Thu Hương - nhà sưu tập tranh - cho biết tâm đắc ở loạt tranh vì hơi thở đời sống mộc mạc, bố cục màu sắc hài hòa, thể hiện tinh thần sáng tác nghiêm túc của họa sĩ.

Họa sĩ Ngô Ðồng sinh năm 1954 tại Nam Ðịnh. Ông học Đại học Mỹ thuật TP HCM từ năm 1975 đến năm 1983, được các họa sĩ Ca Lê Thắng, Ðào Minh Tri dìu dắt. Ông lần đầu có tranh trưng bày trong triển lãm Trẻ toàn quốc năm 1984. Năm 2000, họa sĩ được trao huy chương bạc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc cho bức tranh Trong lòng thành phố.

Mai Nhật
Ảnh: Nhân vật cung cấp