Hà An
Nhà xuất bản Kim Đồng được thành lập ngày 17/6/1957 tại Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, giám đốc đầu tiên của nhà xuất bản, khi đó nói: "Kim Đồng, người thiếu niên dũng cảm của núi rừng đã nêu một tấm gương sáng cho thiếu nhi chúng ta về lòng yêu nước, yêu cách mạng. Nếu lấy tên một liệt sĩ nhỏ tuổi như vậy đặt tên cho nhà xuất bản sách cho thiếu nhi Việt Nam là Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ý nghĩa, vừa rất đặc biệt, chưa chắc thế giới đã có một nhà xuất bản sách cho trẻ em như ở nước ta đâu". Câu nói của Nguyễn Huy Tưởng vào thời điểm đó cũng là "tuyên ngôn" đánh dấu cho sự hình thành và phát triển của nền văn học thiếu nhi Việt Nam, cũng như khơi nguồn phong trào viết và xuất bản sách cho thiếu nhi đến tận ngày nay.
![]() |
Bìa 6 trong số 8 cuốn sách đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng. |
Bộ sách đầu tiên của Kim Đồng gồm tám cuốn, ra đời chỉ hai tháng sau khi nhà xuất bản thành lập, với những tác giả sau này là những tên tuổi hàng đầu viết cho thiếu nhi, như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Quang Sáng, Thy Thy Tống Ngọc, Phan Huỳnh Điểu… Tám cuốn sách thuộc các mảng khác nhau: truyện cổ tích "An Dương Vương xây thành Ốc" của Nguyễn Huy Tưởng và "Ông thần núi" của Trần Kim, Đào Thản, truyện sinh hoạt "Con chim vàng" của Nguyễn Quang Sáng, tập thơ "Em thích… em yêu" của Phạm Hổ, truyện loài vật "Lớp học của anh Bồ câu trắng" của Thy Thy Tống Ngọc, truyện "Tính ác" của Tô Hoài. Đặc biệt, hai cuốn sách thuộc thể loại khoa học dành cho thiếu nhi là "Cá giấy biết bơi" do Phan Huỳnh Điểu soạn và "Trên tinh cầu khác có sinh vật sống không?" do Phạm Sinh dịch từ tiếng Trung Quốc cho thấy, sách viết cho thiếu nhi đã bao hàm cả những đề tài khác ngoài văn học.
Trong số các tác phẩm kể trên, "An Dương Vương xây thành Ốc" là truyện cổ tích lịch sử gắn bó với nhiều thế hệ. Đây là một trong những sáng tác đầu tiên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong sự nghiệp viết cho thiếu nhi của ông, tiền đề cho những “Hai bàn tay chiến sĩ”, “Chuyện kể Quang Trung”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”... nổi tiếng sau này. “Con chim vàng” là truyện ngắn đầu tiên được in thành sách của nhà văn trẻ Nguyễn Quang Sáng khi đó mới tập kết ra Bắc. Truyện hàm chứa chất “lạ” Nam Bộ và chất kịch tính thường thấy trong các sáng tác của Nguyễn Quang Sáng về sau. Câu chuyện Bào trèo cây bắt con chim vàng cho Quyên, con trai nhà chủ nơi Bào đi ở đợ, rồi bị ngã đập mặt vào gốc cây gây ấn tượng mạnh trong trí nhớ của nhiều trẻ nhỏ. Cái kết của câu chuyện vừa bất ngờ vừa có sức nặng khiến các em phải suy ngẫm: "Bào chống tay ngồi dậy, máu từ trên đầu chảy trên những chiếc lá quấn vào mình nhỏ giọt. Bào cố đem toàn lực vùng dậy, nhưng tay lại khuỵu xuống, đầu ngã xuống vũng máu. Mắt Bào chập chờn thấy bàn tay mẹ thằng Quyên thò xuống. Tay Bào với tới, với mãi, với mãi nhưng cũng chẳng vớ được ai. Té ra mẹ thằng Quyên thò tay nâng lấy xác con chim vàng. Bào lại nghe tiếng tắc lưỡi: 'Trời! Con chim vàng của con tôi chết rồi!'".
![]() |
Bìa sau cuốn sách "Lớp học của anh Bồ câu trắng" của Nhà xuất bản Kim Đồng. |
"Lớp học của anh Bồ câu trắng" của tác giả Thy Thy Tống Ngọc nhộn nhạo những bài học “i tờ” gợi lại thuở bình dân học vụ, nơi mà người đứng lớp là thầy giáo bồ câu và học sinh là những vật nuôi thân thuộc như lợn, gà, trâu, bò… cũng gieo vào trí nhớ của nhiều thế hệ măng non. Truyện đã được chuyển thể thành phim hoạt hình từ năm 2005.
Thuở vỡ lòng, không ai không thuộc những câu thơ như “Mười quả trứng tròn/ Mẹ gà ấp ủ/ Mười chú gà con/ Hôm nay ra đủ”. Những câu thơ xuất hiện lần đầu tiên trong tập “Em thích… em yêu” của nhà thơ Phạm Hổ. Đây cũng là tập thơ đến tay thiếu nhi Việt Nam sớm nhất, cùng với “Chú bò tìm bạn”, hay “Gà mái hoa”, “Anh đom đóm” của Võ Quảng in sau đó không lâu.
Thực tế là không phải đến lúc này mới có các sáng tác cho thiếu nhi. Những năm đầu thế kỷ 20, nhiều tủ sách cho thiếu nhi đã ra đời ("Sách Hồng" của Tự lực văn đoàn, "Sách Hoa Xuân" của Đoàn hướng đạo Việt Nam…), nhiều nhà văn nổi tiếng cũng vào cuộc viết sách cho thiếu nhi như Khái Hưng, Nam Cao, Nguyên Hồng… Năm 1941, nhà văn Tô Hoài gây tiếng vang lớn với “Dế mèn phiêu lưu ký” và được tôn là bậc thầy của lĩnh vực này. Nhưng phải đến những năm 1950, việc sáng tác cho thiếu nhi mới có được nền tảng và điều kiện để phát triển, mà một trong những nền tảng đó là sự ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng. Tám cuốn sách trong bộ sách đầu tiên của Kim Đồng chính là các yếu tố kết nên nền tảng đó.
![]() |
Trang bìa cuốn "Con chim vàng" của Nguyễn Quang Sáng. |
Nhà văn Thy Thy Tống Ngọc (tên thật là Nguyễn Ngọc) - một trong những thành viên sáng lập Nhà xuất bản Kim Đồng - viết trong một cuốn hồi tưởng: “Nâng cuốn sách hồi năm 1957, giấy có kém, màu có nghèo, mỏng mảnh vài ba chục trang, ta vẫn thấy lòng xao xuyến, xúc động, hình dung và cảm thấy được những vất vả, tất bật, chịu đựng để có được các trang in mong ngóng, đón đợi, thời gian phải đong từng bát gạo, góp từng cọng rau cho mâm cơm của con nhà nghèo”.
Ngày nay, những cuốn sách toàn bằng tranh vẽ, màu sắc lộng lẫy trở thành điều tất yếu với thiếu nhi, nhưng tám cuốn sách mỏng, chỉ khoảng 50 trang trở lại, in khổ 13 x19 với “áo bìa” khác nhau, những minh họa đơn giản nhưng sinh động của các họa sĩ Mai Văn Hiến, Sỹ Ngọc, Tạ Thúc Bình, Việt Hải..., với phương thức in tranh là khắc gỗ sẽ mãi còn đọng lại trong trí nhớ của nhiều người. Đó là những cuốn sách đầu tiên đánh dấu nền văn học thiếu nhi chính thức hội nhập cùng nền văn hóa Việt Nam.
|