Có một thời, mỗi buổi chiều trước cửa hàng mậu dịch, người Hà Nội lại rồng rắn xếp hàng chờ mua bia 3 hào một cốc. Mậu dịch quốc doanh độc quyền bán bia, nên các quán Cổ Tân cạnh nhà hát lớn, quán "chuồng cọp" đầu phố Nguyễn Đình Chiểu, 41 Hàng Bài... luôn đông nghẹt thở.
Để chống chen ngang, người ta còn hàn sắt quanh chỗ xếp hàng, nơi bán bia, gọi là "chuồng cọp", có chỗ còn dựng thành những lối ngoằn ngoèo chỉ một người đi. Nhưng rồi, nhiều người vẫn phải ấm ức vì xếp hàng nửa buổi, đến "cửa chuồng" rồi, cô mậu dịch mặt lạnh hơn bia buông một câu "đã hết".
Bia rót trong chiếc cốc vại bằng thủy tinh màu xanh, đúng nửa lít, những bọt bong bóng li ti nổi lên từ đáy cốc chạm lớp bọt trắng ở bề mặt rồi biến mất. Cái cốc nặng trịch, mỗi khi chạm vào nhau nghe canh cách.
"Nó không chỉ là một loại nước uống, mà còn để giải tỏa những căng thẳng, bí bách của cuộc sống bao cấp thiếu thốn nặng nề", họa sĩ Lê Huy Văn nhớ lại. Thời ấy, lương cán bộ như ông 64 đồng, nên mỗi tháng chỉ dám đôi lần nhâm nhi cốc bia, rồi lại về ăn cơm rau muống luộc với vợ.
Hà Nội, tháng 10/1970, chuyến tàu dừng bánh ở sân ga Hàng Cỏ, đưa đoàn lưu học sinh Việt Nam trở về sau nhiều năm học tập ở Đức. Trời vào thu, mùi hoa sữa thơm dịu nhẹ dọc đường Nam Bộ, Nguyễn Du. Thành phố thưa người qua lại, nghỉ ngơi sau một ngày sản xuất, dồn sức chi viện cho chiến trường.
Trong đoàn lưu học sinh, Lê Huy Văn tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế công nghiệp tại Đại học Mỹ thuật Burg Giebichenstein Halle. "Khi đó còn trẻ, ai nấy hừng hực khí thế về xây dựng đất nước", chàng trai năm xưa, giờ là ông giáo già đầu bạc hồi tưởng.
Về nước, nhưng Huy Văn không được phát huy ngay trong môi trường sản xuất mà được sắp xếp công việc phiên dịch ở Văn phòng Chính phủ. Bốn năm sau, ông về Ban Kỹ thuật của Liên hiệp HTX Tiểu thủ công nghiệp Trung ương sau một lần gặp gỡ chủ nhiệm Nguyễn Văn Thao.
Cả Hà Nội thời ấy chỉ có nhà máy bia trên đường Hoàng Hoa Thám. Bia được đóng thùng thép, có xe xitec "rót" đến các cửa hàng mậu dịch quốc doanh dần trở thành thức uống xa xỉ. Không có một loại cốc "chuyên dụng" nào để uống bia, người Hà Nội dùng cốc nhỏ uống nước chè, nước giải khát. Hồi đó còn có cả loại cốc thủy tinh 7 kopeek nhiều góc cạnh của Liên Xô nhưng giá rất đắt nên không thể nhập.
Một hôm, Văn được chủ nhiệm Thao giao việc "Cậu phải thiết kế ngay một chiếc cốc chuyên để uống bia Hà Nội". Mất một giờ, bản thảo chiếc cốc thành hình và ba ngày sau được nung ở HTX Thủy tinh Dân Chủ.
Chiếc cốc đầu tiên ra đời năm 1976, từ thủy tinh xanh phế liệu có sẵn, dung tích 0,5 lít, miệng loe và đáy rất dày, có gờ để dễ cầm, dễ rút, dễ chồng lên nhau, bán 500 đồng mỗi chiếc. Bộ Nội thương là đơn vị duy nhất thu mua, được quyền phân phối chiếc cốc ấy đến từng cửa hàng mậu dịch.
Ông giải thích, sở dĩ chiếc cốc to như vậy vì bia mậu dịch mỗi lần mua chỉ được một cốc, uống xong rồi quay lại xếp hàng mua tiếp. Nên chiếc cốc được thiết kế lớn để mua cho đỡ mất công.
Lần đầu tiên ông uống bia trong cốc vại do mình thiết kế ở quán vỉa hè trên phố Hàng Trống cùng mấy người bạn. Bên hồ Hoàn Kiếm, dọc phố Hàng Trống xưa người ta dựng lên khá nhiều quầy giải khát, bán đủ thứ từ nước chanh, nước dừa đến bia rượu. Quán đơn sơ, dăm cái ghế mây bày dọc vỉa vè để khách ngồi dựa lưng, hứng gió.
Hơn 40 năm, ông Lê Huy Văn trải qua nhiều công việc, từ phiên dịch, thiết kế, đi dạy học, rồi trở thành Hiệu phó Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, còn chiếc cốc vại từ cửa hàng mậu dịch đã tỏa đi khắp các quán bia bình dân ở Hà Nội. Nó vẫn còn, trong khi các sản phẩm "huyền thoại" một thời như dép nhựa Tiền Phong, xe đạp Thống Nhất, cao Sao Vàng dần vắng bóng.
Do nhiều xưởng thủy tinh cùng sản xuất chiếc cốc nên kích cỡ cũng khác nhau. Trước đây, cốc có giá 500 đồng, sau tăng lên 2.000 đồng, rồi 6.500 đồng mỗi chiếc như hiện nay. Hiện, cốc vại thủy tinh vẫn được các hộ ở làng nghề Xối Trì (Nam Định) sản xuất khoảng 1.500 chiếc mỗi ngày.
Theo ông Văn, những chiếc cốc đầu tiên chứa được đúng nửa lít bia, nên mới gọi là "cốc vại". Nhưng qua thời gian, chiếc cốc cứ "ngót" dần. Mỗi lần đúc lại bị "hao" mất 3% nên cốc hiện nay chỉ bằng khoảng 2/3 chiếc cốc ban đầu.
Bản thân Lê Huy Văn cũng không biết vì sao chiếc cốc có thể tồn tại lâu như vậy, trong khi một thời chính ông cũng quên bẵng nó. Ông cho rằng, có lẽ nó không đẹp nhưng giá rẻ, sản xuất quá dễ và "hợp với không khí thị thành".
Ông bảo người Hà Nội hay uống bia chưa chắc đã vì thích bia, mà vì nghiện cái không khi ngồi giữa vỉa hè với bạn bè nói đủ thứ chuyện trên đời vào buổi chiều nóng bức, sau khi tan làm. Âm thanh của quán bia, chính là âm thanh của thị thành.
"Anh không thể mặc một bộ comple, cầm chiếc cốc pha lê để uống bia trên vỉa hè Hà Nội, nó không hợp cảnh", ông nói.
Cách đây hơn một năm, người ta đổ về Hoàng thành Thăng Long để chiêm nghiệm lại một thời bao cấp trong chương trình Ký ức Hà Nội. Gian hàng bia mậu dịch được quây sắt thành "chuồng cọp" để bán bia, bên trên treo các tấm biển Quầy cấp bia, Bia hơi 3 hào 1 cốc. Hàng trăm người xếp hàng, đổi tiền mặt ra tem phiếu, tiền hào để mua bia.
Giờ, người ta uống bia bằng những cốc thủy tinh trong vắt, hoặc cốc nhựa làm giả pha lê, có tay cầm, nhưng cái cốc vại to đùng bằng thủy tinh xanh vẫn được nhiều quán bia bình dân dùng. Cái cốc ấy, đã chứa đựng một phần ký ức dân tộc thời gian khó.