Dù được nhiều người biết đến là một nền tảng mua sắm online, Amazon thực tế không kiếm được nhiều tiền từ cửa hàng Amazon.com của mình. Lợi nhuận sau thuế của Amazon.com năm 2019 đạt ngưỡng kỷ lục 5,6 tỷ USD, trong khi một mảng kinh doanh khác là Amazon Web Services (AWS) chỉ trong quý I/2020 đã có lợi nhuận ròng 10 tỷ USD.
Dịch vụ web của Amazone đang phục vụ hơn một triệu công ty khắp thế giới. Bạn có thể từng nghe AWS có liên quan đến việc lưu trữ dữ liệu trên đám mây, nhưng dịch vụ này còn nhiều chức năng hơn thế nữa.
AWS là hệ điều hành của Internet
Để hiểu phần nào về cách thức hoạt động của AWS, hãy lấy máy tính làm ví dụ.
Bất kỳ máy tính nào để có thể hoạt động cũng phải có một hệ điều hành, ví dụ Windows hoặc MacOS, đi kèm với một bộ chương trình. Hệ điều hành có tác dụng quản lý phần cứng cũng như tài nguyên trên máy tính, giúp bạn thực thi công việc hàng ngày, chẳng hạn gửi email hoặc sắp xếp các tệp.
Bây giờ, hãy nghĩ về AWS như một hệ điều hành không chỉ cho một mà là hàng trăm nghìn máy tính lớn, còn gọi là máy chủ. Nó cung cấp cho các công ty sức mạnh tính toán và khả năng lưu trữ gần như không giới hạn, tạo điều kiện cho các hãng xây dựng và chạy phần mềm của họ trên chính Internet.
Sự khác biệt là những máy tính này nằm trong các cơ sở của Amazon. Các công ty làm việc với AWS từ xa - hoặc "qua đám mây". Nói cách khác, AWS giống hệ điều hành của Internet.
AWS hỗ trợ AI, blockchain và các công nghệ mới
Vào năm 2003, khi AWS của Amazon lần đầu ra mắt, nó chỉ cung cấp một vài dịch vụ đám mây cơ bản, như lưu trữ và chia sẻ dữ liệu. Ngày nay, hệ thống này còn cung cấp các bộ công cụ, giúp các công ty xây dựng và khai thác những công nghệ hàng đầu hiện nay, như Blockchain, VR, máy học (AI), điện toán lượng tử, thực tế tăng cường (AR).
Ví dụ, Netflix đang sử dụng dịch vụ AWS của Amazon không chỉ để lưu trữ và phát trực tuyến các chương trình của mình trên Internet. Hãng cũng đang sử dụng công nghệ machine learning của AWS để đề xuất phim và chương trình phù hợp với sở thích người xem.
Có thể bạn đã nghe qua về Slack, ứng dụng nhắn tin dành cho doanh nghiệp. Slack gần đây đã thông báo hãng sẽ sử dụng công nghệ media của AWS để giới thiệu thêm tính năng gọi điện video và âm thanh trên ứng dụng của mình.
Không chỉ các công ty công nghệ đang sử dụng các công cụ AWS của Amazon, công ty năng lượng hàng đầu thế giới, GE Power, cũng đang sử dụng công nghệ phân tích AWS để lưu trữ và sàng lọc dữ liệu từ các nhà máy của mình. Hay Fidelity, tập đoàn dịch vụ tài chính khổng lồ của Mỹ, đang thử nghiệm công nghệ VR của Amazon để xây dựng các phòng trò chuyện thực tế ảo.
AWS của Amazon ngày càng kiếm được nhiều tiền
Amazon không phải là công ty duy nhất cung cấp dịch vụ đám mây. Google, Microsoft, Alibaba, IBM và những gã khổng lồ công nghệ khác đều đang cố gắng thâm nhập thị trường kinh doanh đầy tiềm năng này. Nhưng AWS của Amazon hiện vẫn là nền tảng lớn nhất và nhiều tính năng nhất.
Hiện nay, Amazon kiểm soát 33% thị trường điện toán đám mây, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh gần nhất là Microsoft (đứng thứ hai với 18%) và Google (đứng thứ ba với 9%). Điều đó có nghĩa là gần một phần ba Internet toàn cầu đang chạy trên AWS của Amazon.
Có vẻ ngôi vương của Amazon chưa thể bị lật đổ trong tương lai gần. Doanh số bán hàng của Amazon từ AWS đã tăng 10 lần trong sáu năm qua. Năm ngoái, Amazon đã công bố doanh thu từ dịch vụ AWS cao kỷ lục và lớn hơn bất kỳ nền tảng nào khác trên thị trường.
Đăng Thiên (theo Forbes)