Sau khi thuế đối ứng được công bố hôm 2/4, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lao dốc. Dù vậy, cơn chao đảo ở Phố Wall không thay đổi được sự kiên định của ông Trump.
Nhưng đến ngày 9/4, thế giới bất ngờ trước quyết định tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày. Nhiều nhà phân tích cho rằng thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ đã làm ông Trump phải cân nhắc. "Mọi người đang hơi lo lắng", Tổng thống trả lời hôm ấy, khi phóng viên đề cập thị trường trái phiếu.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett thừa nhận thị trường trái phiếu đóng vai trò trong quyết định. Các nhà đầu tư kỳ cựu Phố Wall thẳng thắn hơn: "Thị trường trái phiếu đã khiến tổng thống hoảng sợ", theo Chủ tịch Yardeni Research Ed Yardeni.
Tuần biến động thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ
Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ đã rung chuyển tuần qua, khi lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng từ dưới 4% cuối tuần trước lên mức 4,478% chốt phiên ngày thứ sáu (11/4), mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ 2001. Có lúc, lợi suất đạt 4,592%, cao nhất kể từ ngày 13/2. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm cũng đã tăng 0,44 điểm phần trăm.

Diễn biến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tuần từ 7-12/4. Nguồn: Trading Cconomics
Thông thường, trái phiếu kho bạc 10 năm được coi là nơi trú ẩn an toàn khi thị trường chứng khoán biến động. Nhưng việc lợi suất tăng mạnh cho thấy kênh này cũng trở nên rủi ro. Lợi suất tăng nghĩa là giá trái phiếu giảm.
Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá gần 30.000 tỷ USD vốn được cho là quá lớn để bị ảnh hưởng bởi những thay đổi nhỏ về nhu cầu. Vì vậy, một khi nó có biến động, đồng nghĩa vấn đề "đang nghiêm trọng không nhỏ".
Kết quả, các nhà đầu tư toàn cầu đang nắm giữ hàng nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ chứng kiến giá trị tài sản sụt giảm đột ngột. "Đây không phải là điều bình thường", Ajay Rajadhyaksha, Chủ tịch nghiên cứu toàn cầu tại Barclays nói. Chỉ số đo lường mức độ biến động thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2023.
Theo UBS, các nhà đầu tư đang bán trái phiếu để huy động tiền mặt nhằm bù đắp tổn thất trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, Deutsche Bank cho rằng trái phiếu chính phủ Mỹ có thể "mất đi vị thế là nơi trú ẩn an toàn truyền thống".
"Chúng tôi đã chứng kiến khá nhiều hoạt động bán ra," Vishal Khanduja, quản lý danh mục đầu tư trái phiếu tại Morgan Stanley Investment Management cho biết.
Ajay Rajadhyaksha cho rằng nguyên nhân có thể là do các nhà đầu tư châu Á bán tháo để phản ứng với thuế quan, cũng như việc các quỹ đầu tư cố gắng thoát hàng khi đã dùng đòn bẩy cao để gom trái phiếu trước đó. "Dù lý do là gì, thị trường trái phiếu đang gặp rắc rối", Ajay Rajadhyaksha nói.
Vì sao ông Trump dè chừng lợi suất trái phiếu
Trái phiếu kho bạc Mỹ được Bộ Tài chính phát hành và bảo đảm bởi niềm tin vào chính phủ nước này. Nó từ lâu đã được xem là một trong những loại tài sản an toàn và ổn định nhất thế giới.
Nhờ vậy, thị trường này được xem là nền tảng vững chắc của hệ thống tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump leo thang, niềm tin vào vai trò trung tâm của Mỹ trong hệ thống tài chính quốc tế bị tổn thương, dẫn đến biến động.
"Con voi rủi ro lớn trong căn phòng chính là thị trường trái phiếu kho bạc", Matt Eagan, quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý quỹ Loomis, Sayles & Company bình luận.
Các nhà đầu tư nước ngoài là một trong những nhóm nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhất. Nhật Bản hiện là quốc gia nắm giữ nhiều với hơn 1.000 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc với 760 tỷ USD, giảm 250 tỷ USD kể từ năm 2021.
Andrew Brenner, Trưởng bộ phận thu nhập cố định quốc tế tại National Alliance Securities kêu gọi "mọi người tỉnh lại". "Đây là dòng tiền nước ngoài đang rời khỏi thị trường trái phiếu vì chính sách thuế quan", ông tuyên bố.
Với Mỹ, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm còn là tham chiếu quan trọng của lãi suất vay mua nhà, ôtô và kinh doanh. Lợi suất tăng nghĩa là nhiều loại lãi suất khác sẽ tăng theo, cản trở sức mua và khả năng đầu tư của doanh nghiệp. Một số nhà phân tích lo ngại nếu nước ngoài tiếp tục bán tháo nhanh hơn thì lợi suất trái phiếu còn tiếp tục tăng, kéo theo các loại lãi suất tại Mỹ leo thang.
"Gây sự với các đối tác thương mại lớn - những người cũng đang tài trợ cho nợ công của bạn - là cực kỳ rủi ro trong bối cảnh thâm hụt ngân sách lớn và không có kế hoạch khả thi để kiểm soát", Eagan nhận định. Hiện hàng Trung Quốc bị Mỹ áp đặt thuế quan tổng cộng 145%.
Arun Sai, chiến lược gia cấp cao về đa tài sản tại Pictet Asset Management, cho rằng các nhà đầu tư đang xem Mỹ là điểm đến kém tin cậy hơn cho dòng tiền do những thiệt hại mà chính quyền Trump gây ra cho nền kinh tế nước này. "Kế hoạch lớn của ông Trump, Bessent và Lutnick đang sụp đổ dưới sức nặng của chính sự thiếu nhất quán", ông nói với CNN.

Một nhà giao dịch làm việc trên sàn chứng khoán New York ngày 11/4/ Ảnh: Reuters
'Con tin' để kiềm chế ông Trump của giới đầu tư
Sau đợt tăng cao hôm 9/4, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã ổn định ở mức trên 4,4% vào thứ năm (10/4), sau khi Tổng thống Trump công bố quyết định tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày với hàng chục đối tác thương mại.
"Trái phiếu đang phát tín hiệu rằng cú tạm dừng này là đáng kể, dù về cơ bản vẫn chưa có gì thay đổi nhiều", các nhà phân tích tại ING nhận định. Theo họ, thị trường sẽ không dễ quên những đợt biến động mạnh thế này.
Dù thị trường trái phiếu phần nào ổn định nhờ các đợt đấu giá thành công trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 30 năm trong tuần, giới đầu tư vẫn thận trọng, chờ thanh khoản cải thiện rõ rệt hơn mới quay lại mua vào, theo Reuters.
Về phần mình, ông Trump tuyên bố: "Thị trường trái phiếu hiện rất đẹp" sau khi tạm dừng áp thuế. Tuy nhiên, lợi suất vẫn cao hơn nhiều so với mức dưới 4% hồi cuối tuần trước. Trong khi đó, giới chuyên gia vẫn lo ngại những người nắm giữ trái phiếu có thể tấn công lần nữa.
Theo CNN, chính sách thuế quan của Tổng thống Trump có thể khiến nhà đầu tư quốc tế bán tháo trái phiếu Mỹ như một chiến lược đàm phán. Ngoài ra, theo Chip Hughey, CEO bộ phận thu nhập cố định tại Truist Advisory Services, nếu Mỹ nhập khẩu ít hàng hóa hơn từ các đối tác thương mại toàn cầu thì nhu cầu đối với trái phiếu Mỹ có thể bị gián đoạn. Bởi lẽ, giao thương giảm đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ ít USD hơn để mua trái phiếu Mỹ.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ghi nhận những biến động nhưng chưa quá lo ngại. Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Susan Collins cho biết thị trường vẫn "tiếp tục hoạt động tốt", và "không có vấn đề lớn về thanh khoản". Tuy nhiên, bà nhấn mạnh Fed "chắc chắn sẽ sẵn sàng can thiệp nếu cần".
Với giới đầu tư, những biến động thị trường trái phiếu tuần này gợi nhớ đến các đợt bán tháo dữ dội trong đại dịch tháng 3/2020, hoặc đợt biến động vào tháng 9/2019 - những sự kiện khiến Fed phải can thiệp khẩn cấp để ổn định thị trường.
Nhưng lần này, Fed đang ở trong tình thế khó xử hơn. Thuế quan khiến lạm phát tăng, buộc Fed phải duy trì lãi suất cao. Tuy nhiên, để hỗ trợ thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế, Fed lại phải giảm lãi suất.
Ngoài ra, Fed chỉ kiểm soát được một số lãi suất ngắn hạn, còn lãi suất dài hạn như trái phiếu kỳ hạn 30 năm bị chi phối bởi thị trường. "Khi đã đến kỳ hạn dài, vai trò của Fed gần như không còn", Matt Eagan, quản lý danh mục tại Loomis, Sayles & Company nói. "Thị trường này không có nhiều nhà đầu tư dài hạn ổn định, nên chỉ cần một thay đổi nhỏ về cung cầu cũng khiến giá cả biến động mạnh", ông nói.
Và trong khi các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu Mỹ cẩn trọng với động thái của ông Trump, họ đang tìm các lựa chọn thay thế trên thế giới. Đức gần đây công bố kế hoạch vay nợ 500 tỷ euro (545 tỷ USD). Thị trường trái phiếu của Đức được xem là chuẩn mực của châu Âu, thường được so sánh với trái phiếu Mỹ.
Phiên An (theo Reuters, CNN, NYT)