Tim Page là một trong những phóng viên ảnh nổi tiếng thời chiến tranh Việt Nam, bắt đầu sự nghiệp ở Lào năm 1964, khi mới 18 tuổi. Ông trở thành phóng viên ảnh mẫu mực trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam và những bức ảnh của ông trở thành nguồn cảm hứng của nhiều bộ phim thời kỳ đó. Trong thời gian ở Việt Nam, Tim Page bị thương 4 lần.
Tim Page. |
- Ông đã đến với nhiếp ảnh như thế nào?
- Câu trả lời là tôi được mời một công việc không thể từ chối trên phương diện chuyên môn. Tôi đang ở Lào vào năm 1964, và tôi đi chụp ảnh thay cho một người bạn khi đó đang làm việc cho hãng UPI (United Press International), khi anh ấy phải đi ra nước ngoài. Và tôi đã có được những bức ảnh duy nhất về cú đảo chính tại đó. Thế rồi UPI đề nghị tôi đi sang Việt Nam, làm phóng viên nhiếp ảnh cho hãng.
- Khi ông tới Việt Nam vào tháng 2/1965, ấn tượng đầu tiên của ông về Việt Nam là gì?
- Thật là khó nói, vì lúc đó Việt Nam còn mang nhiều sắc thái của Pháp và chiến tranh còn chưa in những dấu ấn đậm nét như vài năm sau đó. Miền nam Việt Nam vẫn là một nơi đầy lính Mỹ và giao thông tấp nập. Người ta có cảm giác nơi đây vẫn là một thuộc địa của Pháp.
- Xin ông kể lại một vài kỷ niệm đáng nhớ nhất về thời gian ông có mặt tại Việt Nam làm phóng viên nhiếp ảnh chiến tranh?
- Tôi không nghĩ là có thể đưa ra một sự kiện nào đó duy nhất. Nếu chúng ta hỏi bất cứ ai đã từng có mặt tại Việt Nam trong thời gian đó, đều khó có thể đưa ra một sự kiện nổi bật nhất. Tôi cho là không thể nói một sự kiện nào là quan trọng nhất trong ký ức của tôi.
Có lẽ hai điều phải nhắc tới, đó là được là một nhân chứng, được chứng kiến cuộc chiến diễn ra. Phải nói đấy là một đặc ân vô cùng to lớn, được chứng kiến cuộc đấu tranh giải phóng, được tiếp cận gần gũi đến vậy với những người tham gia cuộc chiến, dù là người Mỹ, người Việt... khi họ phải đối mặt với cái chết.
Chính bản thân tôi cũng đã từng bị thương và trải qua những đau đớn, chịu đựng, và đồng thời được có mặt tại một đất nước mà người dân đầy lòng vị tha, tập làm quen với những tình huống có thể nói cực kỳ điên rồ trút xuống đầu họ.
Việt Nam cũng là một nơi dễ sống, vui vẻ và đầy những điều thú vị. Tất cả chúng tôi, những phóng viên chiến tranh hồi đó đều rất trẻ và có thể nói là chúng tôi rất ý thức về tính mạo hiểm, về ý nghĩa của việc mình làm.
Những bức ảnh được đăng trên tạp chí Life, hay trên các báo chí khác ngày đó không giống như những hình ảnh được đăng ngày nay và chúng tôi có thể có những tác động, ảnh hưởng tới người xem, và người ta có thể rút ra một điều gì đó từ những bức ảnh ấy. Chúng đã giúp thay đổi cả tiến trình của cuộc chiến.
Tôi không nghĩ là ngày nay có thể làm được điều đó, và trên phương diện này thì phải nói cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên được các phóng viên độc lập tường thuật, cuộc chiến đầu tiên được chụp ảnh màu, cuộc chiến đầu tiên được tường thuật qua truyền hình, và cuộc chiến đầu tiên không bị kiểm duyệt. Cuộc chiến đầu tiên và cũng là cuối cùng trên nhiều phương diện.
Để sống thì đây cũng là một nơi tuyệt vời, vì Việt Nam là một đất nước rất đẹp, con người cũng đẹp, đồ ăn thức uống rất ngon. Và là một thanh niên thì những trải nghiệm đó là một điều không thể quên được.
- Là một thanh niên rất trẻ, khi tới Việt Nam trong thời gian chiến tranh ông mới 21 tuổi, ông đã làm thế nào để có thể đương đầu và trụ được trong bối cảnh chiến tranh như vậy?
- Tôi đã đương đầu, chống chọi với cuộc chiến như thế nào ư? Hoặc là trụ được hoặc là không. Bạn buộc phải đương đầu thôi vì như chúng tôi vẫn nói, phải đè nén nỗi sợ hãi, vì nếu không thì nó sẽ bao trùm, vượt lên trên chính bạn và bạn sẽ không thể bước ra để chụp thêm một bức ảnh nào nữa. Bạn trở nên quá sợ hãi, quá hoảng loạn, quá lo lắng, hốt hoảng trước sự điên rồ của chiến tranh.
Còn bản thân tôi đã đương đầu với chiến tranh như thế nào ư? Có lẽ là sau khi có mặt tại chiến trường, trở về sau những chiến dịch và chứng kiến cảnh người chết trong cuộc chiến, chụp những bức ảnh vô giá mang về, thì chúng tôi ngồi xuống với nhau, hút điếu thuốc lá, uống chút gì đó và nói về những điều đã chứng kiến, cố gắng thư giãn, cố không nghĩ tới những chuyện đã xảy ra tại chiến trường.
Nhưng vẫn biết rằng, ngày mai hay ngày kia, sẽ lại phải bước ra đối mặt với nó. Tôi không nghĩ là có thể thực sự “giải quyết” được tâm lý ấy mà chỉ có thể đè nén nó. Và trên một phương diện nào đó thì bạn biến trạng thái tiêu cực đó sang thành sự sáng tạo trong nhiếp ảnh, trong viết lách hay trong phim ảnh.
Tôi cho rằng sau này các vấn đề mới nảy sinh. Đó là khi nhìn lại quá khứ, và có cảm giác tội lỗi khi mình thì sống sót mà những người khác thì không. Và mãi sau này ta mới thực sự thích nghi được với những gì đến xảy ra với mình vào thời điểm đó.
- Ông đã bị thương nhiều lần và vài lần thương nặng tưởng chết, cảm giác của ông ra sao khi trở lại chiến trường sau mỗi lần bị thương như vậy?
- Khi còn trẻ, có lẽ người ta tin rằng, chẳng điều gì có thể xảy ra với mình được và rằng mình được Thượng đế hay một thánh nhân nào đó phù hộ. Nhưng đến khi chính mình bị thương thì bỗng nhận ra rằng mình cũng chỉ làm bằng xương bằng thịt như những người khác. Trong chiến tranh thì không ai có thể nói trước được là mình có thể bị trúng đạn ở đâu, trong rừng rậm, trong khi ngủ, trên đường phố hay trong vùng có giao tranh. Mối đe dọa đó đến từ mọi phía, vào mọi thời điểm, bất kể ngày hay đêm.
Và không có cách gì có thể tự bảo vệ mình trước những đe dọa như thế, vì vậy cách duy nhất có lẽ là tự tạo ra một vỏ bọc che chắn tâm trí của mình trước những đe dọa đó. Rồi khi bị thương, con người ta bắt đầu tự đặt câu hỏi với chính mình, tại sao lại ở đây, và ở đây để làm gì, họ tự vấn chính động cơ của mình.
Sau mỗi lần bị thương như vậy và lại bước vào cuộc chiến, lại đối mặt với sự điên rồ của chiến tranh thì nó cũng giống như sau khi ngã ngựa vậy, chỉ có điều ta có thể điều khiển được con ngựa mình cưỡi trong khi lại chẳng có chút quyền lực gì điều khiển được cuộc chiến cả. Vì thế sau mỗi lần bị thương, khi phải trở lại đối mặt với cuộc chiến thì việc tiếp tục làm việc lại ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tới một lúc nào đó bạn tự nhủ rằng chỉ có thể chịu đựng tới mức này thôi, không thể chịu đựng thêm được nữa.
- Điều gì đã khiến ông tiếp tục, có phải vì danh tiếng, vì tính mạo hiểm, hay vì một lý tưởng nào đó?
- Đây là một câu hỏi khó trả lời vì khi con người ta trưởng thành hơn, già dặn hơn, thái độ chính trị của ta cũng dần thay đổi. Vào thời điểm khi tôi trở lại Việt Nam hồi năm 1968, tôi đã ở Mỹ và đã chụp ảnh tường thuật phong trào chống chiến tranh. Tôi trở thành người có tư tưởng chống chiến tranh hơn, và đối với tôi toàn bộ cuộc chiến trở nên điên rồ và vô nghĩa lý hơn.
Vì thế những đề tài tôi chụp thường trở nên mang tính chống chiến tranh mạnh mẽ hơn. Thực sự nói cho cùng thì tất cả các hình ảnh về chiến tranh đều trở thành những hình ảnh chống chiến tranh cả. Và tôi cho rằng mình bắt đầu tìm kiếm những hình ảnh để thể hiện thái độ chỉ trích, nhạo báng chiến tranh và cho thấy thực chất chiến tranh là gì.
Chiến tranh ở Việt Nam là độc nhất vô nhị, vì nó kéo dài rất lâu. Các cuộc chiến tranh hiện đại chỉ kéo dài không bao lâu, như cuộc chiến vùng Vịnh, kết thúc sau vài tuần. Trong khi tại Việt Nam người ta sống cùng chiến tranh, và bước vào cuộc chiến như đi làm vậy, và trên phương diện ấy thì nó quả là một kinh nghiệm thật khác thường.
Càng ở đó lâu bao nhiêu thì người ta càng nhận ra những nỗ lực thực dân hóa của Mỹ qua việc ném bom Campuchia và dùng B52 ném bom Việt Nam là một điều thực sự vô nghĩa lý vì đây là một cuộc chiến không thể thắng được.
Thật khó có thể nói với người Mỹ rằng quý vị sẽ không thể thắng được, rằng đó là chuyện sẽ không xảy ra. Trong khi đó người Mỹ tin rằng họ sẽ thắng mà đó lại là một cuộc chiến không thể thắng nổi. Vì thế, những bức ảnh chụp chiến tranh của tôi cũng trở nên có tính chính trị hơn, với những đổi thay trong cách chụp của mình, cách mình nhìn sự vật, và cách mình chọn lựa hình ảnh để chụp.
- Ông tin rằng các phóng viên nhiếp ảnh, các nhà báo có thể thay đổi được chiến cuộc?
Tôi cho rằng vào thời kỳ đó, chúng tôi đã làm thay đổi cuộc chiến qua những tường thuật rất nhiều về cuộc chiến tranh Việt Nam, vì đây là cuộc chiến đầu tiên được các nhà nhiếp ảnh độc lập tường thuật, cuộc chiến đầu tiên và cũng là cuối cùng trên phương diện tường thuật.
Và tôi cho rằng điều đó đã xảy ra được là vì trong thời chiến tranh ở Việt Nam đã có những nhà nhiếp ảnh chiến tranh rất tài năng. Những bức ảnh họ chụp được đăng trên trang nhất của các tờ báo, tạp chí lớn trên toàn thế giới và trên cả truyền hình nữa. Dần dà tất cả những cái đó đã làm thay đổi thái độ của công chúng về cuộc chiến, mà đặc biệt quan trọng là của công chúng tại Mỹ, rồi tại châu Âu, Nhật Bản, Australia và những nơi khác nữa. Thậm chí tới ngày nay, nếu ta hỏi những người ở một độ tuổi nhất định, những người đã từng biết chừng gần một chục tấm ảnh về chiến tranh Việt Nam thì những hình ảnh đó vẫn còn ghi lại trong trí nhớ của họ.
Tôi cho rằng một tập hợp chung những hình ảnh về chiến tranh đó, những trích đoạn trên truyền hình, trên báo chí thực sự đã làm thay đổi ý kiến của công chúng, lối nghĩ và cách nhìn nhận cuộc chiến, và về sự điên rồ của Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam và tại Đông Dương.
- Nhưng ông không cho rằng nay các nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh, truyền hình có thể làm điều đó, như trong cuộc chiến hiện nay tại Iraq?
- Không, đó là điều không thể làm được. Hãy nhìn vào cuộc chiến Iraq sẽ thấy. Về cơ bản đó là hình thức cài phóng viên đi theo tường thuật và do quân đội kiểm soát. Chúng ta không được thấy những thống khổ, khó khăn mà người dân Iraq phải chịu đựng, trừ phi xem các đài truyền hình Ảrập, như Al-Jazeera. Chúng ta không được thấy những gì từ cực bên kia vì chúng bị che giấu trước mắt của chúng ta.
Chúng ta không được thấy hình ảnh của các nạn nhân, và thậm chí cũng chẳng được thấy xác của những lính Mỹ bị thiệt mạng. Báo chí ngày nay gần giống như những quyển catalogue để đặt mua hàng thời những năm 60 vậy.
Trước đây, các tạp chí ra vào thứ bảy là lãnh địa của giới nhiếp ảnh, nhưng ngày nay đã trở thành lãnh địa của giới tiêu thụ. Các bài báo trong các tạp chí này là về thời trang, về nấu ăn, làm vườn, chứ không có những đề tài có chiều sâu hay có ý nghĩa sâu sắc.
Vấn đề là những gì các phóng viên nhiếp ảnh và truyền hình ghi lại trong chiến tranh nghiễm nhiên sẽ khiến người xem buồn và khiến người ta phải suy nghĩ. Và nếu những hình ảnh đó lại được cắt bỏ, biên tập lại thì toàn bộ việc có mặt và ghi lại những hình ảnh đó sẽ chẳng còn ý nghĩa hay tác dụng gì nữa. Tôi cho đây là một vấn đề rất căn bản.
- Ông ở Việt Nam ba năm từ năm 1965 tới 1967 và sau đó ông trở lại vào năm 1968, cũng vẫn trong thời gian có chiến tranh. Lần đầu tiên ông ở trở lại Việt Nam sau chiến tranh là năm 1980. Vậy cảm tưởng của ông về một nước Việt Nam ngày nay là gì?
... Được thấy một đất nước đã từng bị tàn phá thảm khốc vì một cuộc chiến tranh hiện đại và được thấy đất nước đó phục hồi quả là một điều kỳ diệu.
Thật cảm phục khi được thấy những người dân đã từng là nạn nhân của cuộc chiến, khốn khổ vì cuộc chiến nay trở lại cuộc sống bình an mà không hề mang hận thù, đầy lòng vị tha, sống với hiện tại, và bỏ qua quá khứ.
Nhiều người thuộc thế hệ trẻ ngày nay không biết gì về chiến tranh ngoài những gì qua sách vở và trên phương diện đó thì tôi cho rằng nghĩa vụ của chúng ta là phải đem lại cho họ một hình ảnh chính xác về cuộc chiến, về lịch sử.
- Xin hỏi ông một câu cuối cùng, ông có nghĩ là Mỹ cần phải giúp giải quyết hậu quả chiến tranh, như trong vấn đề chất độc da cam, hay giúp những thương binh do cuộc chiến?
- Tôi cho rằng trong vấn đề chất độc da cam thì chắc chắn là nên. Các cựu chiến binh Mỹ tham gia cuộc chiến Việt Nam đã bị ảnh hưởng do chất độc da cam trong thời gian chiến tranh đã kiện và được bồi thường những khoản tiền đáng kể cho chính bản thân họ hay cho các thân nhân của họ. Có sự cố tình tách biệt những người này với những nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.
Theo tôi cách tốt hơn cả là nên mở cửa, cởi mở hơn. Mỹ trong suốt một thời gian dài đã áp dụng chính sách cấm vận với Việt Nam, trong khi tốt hơn cả là tạo công ăn việc làm và có một nền kinh tế lành mạnh và như thế có nghĩa là các cựu chiến binh có thể được xã hội trông nom. Quá khứ đã qua và tôi cho rằng mọi người cần được sống trong hòa bình.
(Theo BBC)