Đây là bệnh nhân trẻ tuổi đầu tiên ở Việt Nam được ghi nhận hít ma túy đá gây xuất huyết não, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.
Bệnh nhân nhập viện ngày 27/8, ban đầu đau đầu, buồn nôn ngay sau khi hít ma túy đá, kết quả chụp CT phát hiện xuất huyết não, phù não.
"Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với các loại ma túy tổng hợp, trong đó đặc biệt là melaphatamine, tức ma túy đá", bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyên cho biết về thần kinh, ma túy đá khiến bệnh nhân kích động, vật vã, co giật, hoang tưởng, ảo giác, thường gọi là "ngáo đá", gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Về tim mạch, ma túy đá làm tăng huyết áp, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp, bệnh nhân có thể tử vong ngoại viện.
Nhồi máu cơ tim với người sử dụng ma túy đá là loại nhồi máu cơ tim nặng nhất và phức tạp nhất hiện nay. Nhồi máu xảy ra ở nhiều bộ phận cơ thể cùng lúc, diễn biến rất nặng nề và rất khó điều trị, dễ chết người. Ma túy đá còn làm co thắt mạch máu dữ dội, gây xuất huyết não, nhồi máu não, nhồi máu màng treo ở ruột, rối loạn đông máu, suy thận, tăng thân nhiệt...
Năm 2015 cơ quan chức năng xác định có 292 chất và tiền chất ma túy tại Việt Nam. Sau 3 năm, danh mục đã tăng lên 559 chất và tìền chất, có thêm nhiều loại ma túy nguy hiểm, tinh vi, khó phát hiện hơn. Những loại ma túy hoặc chất gây nghiện mới hiện nay như lá thiên đường (la khat), thuốc lắc meo meo flakka, tem giấy (bùa lưỡi), bánh lười (lazy cake), muối tắm, trà sữa nước vui, nấm ma thuật, nhắm đến giới trẻ, nhất là học sinh phổ thông. Thậm chí có những chất mới xuất hiện chưa nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam.