Hơn 100 người đã đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra sức khỏe trong các ngày 30/8-2/9. Họ đều là những người tham gia công tác chữa cháy kho bóng đèn Rạng Đông hôm 28/8 như lính cứu hỏa, phóng viên tác nghiệp hiện trường, người dân xung quanh khu vực cháy. Biểu hiện chung của các bệnh nhân là đau đầu, chóng mặt, tức ngực.
Tối 4/9, đại diện Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết các bệnh nhân được lấy máu và nước tiểu để xét nghiệm thủy ngân. Mẫu máu của bệnh nhân được gửi đến Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, kiểm tra. Kết quả mức thủy ngân trong máu các bệnh nhân đều trong ngưỡng cho phép, theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Bệnh viện cũng thực hiện một số xét nghiệm khác như công thức máu, urea, creatinin, men gan, bilirubin, điện tim, chụp X-quang phổi và khí máu động mạch, methemoglobin (metHb), carboxyhemoglobin (HbCO)... cho các bệnh nhân.
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông báo cáo nguồn thủy ngân có thể phát tán ra môi trường sau vụ cháy là hơn 15 kg, nhưng theo tính toán của các nhà khoa học thì khối lượng khoảng trên 27 kg.
Kết quả lấy mẫu quan trắc, phân tích chất lượng môi trường không khí, đất, nước, chất thải rắn (tro xỉ sau khi cháy) của Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) từ ngày 30/8 đến 1/9 cho thấy 1/12 mẫu nước mặt ở điểm quan trắc cách Rạng Đông 1,5 km có mức thủy ngân vượt quy chuẩn 1,3 lần.
Theo ông Nhân, sau khi phân tích kết quả quan trắc cũng như căn cứ vào khuyến cáo chuyên môn của WHO thì "người dân sống trong bán kính 500 m tính từ hàng rào kho bị cháy sẽ chịu ảnh hưởng ô nhiễm thủy ngân".
Đám cháy nhà kho công ty Rạng Đông ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, tây nam Hà Nội, kéo dài suốt 5 tiếng. Nhiều máy móc, nguyên phụ liệu, hàng hóa bị thiêu rụi.