Ngày 17/7, trong cuộc họp tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch Ebola đang diễn ra tại Congo là "trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu", gây nguy hiểm cho các quốc gia và đòi hỏi nỗ lực phối hợp quốc tế. Đây là lần thứ 5 WHO tuyên bố trường hợp y tế khẩn cấp. Các trường hợp khẩn cấp trước đó bao gồm đại dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014-2016 giết hơn 11.000 người, sự xuất hiện của virus Zika ở châu Mỹ, đại dịch cúm lợn và bại liệt.
Dịch Ebola tại Congo được cho là đợt dịch Ebola nguy hiểm thứ hai trong lịch sử. Từ tháng 8/2018 đến nay, hơn 1.600 người đã tử vong vì virus Ebola. Tháng 6, một gia đình mang virus Ebola đến Uganda sau khi dự lễ tang của người họ hàng nhiễm bệnh ở Congo. Ngày 16/7, giới chức Congo xác nhận một bệnh nhân Ebola qua đời tại Goma, thành phố tập trung hai triệu dân gần Rwanda, nơi có sân bay quốc tế.
Việc tuyên bố trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu giúp thế giới chú ý hơn và tăng cường viện trợ cho Congo. Tuy nhiên, mặt trái là các chính phủ có thể sẽ đóng cửa biên giới, từ đó gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc WHO, trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu "không nên được sử dụng để kỳ thị hay trừng phạt những người đang rất cần sự giúp đỡ". Ông Tedros đánh giá nguy cơ lây nhiễm bệnh ở ngoài Congo là không cao.
Bác sĩ Joanne Liu, Giám đốc tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, hy vọng việc tuyên bố trường hợp khẩn cấp sẽ thúc đẩy nỗ lực ứng phó với Ebola. Bà cho rằng chiến lược tiêm chủng nên được mở rộng và đội ngũ y tế cần xây dựng niềm tin từ cộng đồng.
Một số chuyên gia đánh giá dịch Ebola ngày càng trở nên tồi tệ, bất chấp những tiến bộ bao gồm việc sử dụng vắcxin rộng rãi. Tại Congo, hàng chục phiến quân đang hoạt động khiến công tác cứu người bệnh gặp khó khăn. Bên cạnh đó, virus Ebola đang tấn công vùng biên giới, nơi trước kia chưa từng bị dịch bệnh ảnh hưởng. Người dân không tin tưởng, thậm chí tấn công y bác sĩ và bỏ trốn khỏi cơ sở y tế.
Minh Nguyên (Theo AP)