Tuyên bố được ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO, đưa ra trong cuộc họp thảo luận về chiến lược mới liên quan đến Covid-19 diễn ra ngày 27/1. Ông chỉ ra rằng số người chết vẫn gia tăng, phản ứng toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng còn nhiều khó khăn.
"Bước vào năm thứ 4 của đại dịch, chúng ta ở vị thế tốt hơn nhiều so với một năm trước, khi làn sóng Omicron lên đỉnh điểm, hơn 70.000 người tử vong mỗi tuần", ông nói.
Theo ông Tedros, tỷ lệ tử vong hàng tuần đã giảm xuống dưới 10.000, song tăng trở lại vào đầu tháng 12/2022. Việc Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế liên quan đến Covid-19 khiến số ca tử vong tăng đột biến.
Tuần trước, WHO báo cáo hơn 40.000 ca tử vong, một nửa trong số đó là ở Trung Quốc. Ông Tedros cho rằng con số thực tế "chắc chắn cao hơn nhiều".
Tổng giám đốc WHO cho biết vaccine, phương pháp điều trị vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cứu người, ngăn ngừa bệnh nặng và giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế.
"Song phản ứng toàn cầu vẫn còn lúng túng. Nhiều quốc gia chưa tận dụng hiệu quả các công cụ cứu sinh này đối với người cần thiết nhất, đặc biệt là người già và nhân viên y tế", ông Tedros nói.
Theo ông, niềm tin của công chúng đang bị xói mòn vì hàng loạt thông tin sai lệch, trong khi hệ thống y tế vẫn vật lộn để đối phó với gánh nặng Covid-19.
Công tác giám sát trình tự gene để theo dõi sự phát triển của virus giảm mạnh, khiến giới khoa học khó nắm bắt các biến chủng mới.
Phiên họp lần thứ 14 về cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra gần ba năm kể từ ngày đầu tiên WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp, khi virus lần đầu lây lan bên ngoài Trung Quốc. Ủy ban độc lập họp ba tháng một lần để thảo luận về đại dịch và báo cáo với giám đốc Tedros. Sau đó, ông sẽ quyết định xem Covid-19 có còn là trường hợp khẩn cấp quốc tế hay không.
Trong phiên họp gần nhất vào tháng 10/2022, WHO kết luận đại dịch vẫn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC), mức cao nhất tổ chức này đề ra.
Tuyên bố PHEIC là cơ chế quốc tế thống nhất để kích hoạt phản ứng đối với các loại bệnh truyền nhiễm. Sau khi ông Tedros tuyên bố Covid-19 là đại dịch, nhiều quốc gia mới nhận thức được mối nguy hiểm từ căn bệnh này.
Toàn thế giới hiện ghi nhận 665 triệu ca nhiễm, hơn 6,7 triệu ca tử vong. Những khu vực từng là điểm nóng Covid vào tháng 12 năm ngoái như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang chứng kiến sự thoái lui của nCoV.
Theo CDC Trung Quốc, khoảng cuối tháng 12/2022, số ca nhiễm mới theo ngày là 7 triệu, giảm xuống 15.000 vào ngày 23/1. Nước này nhận định đợt bùng phát Covid đã qua đỉnh. Còn Nhật Bản vừa quyết định hạ cấp Covid xuống ngang cúm mùa. Hàn Quốc thông báo sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong các không gian kín từ ngày 30/1 trong bối cảnh số ca mắc mới hàng ngày tiếp tục giảm.
Tại các khu vực khác như châu Phi, số ca mắc mới trong ba tuần đầu tháng 1 giảm 97% so với cùng kỳ 2022. Mỹ và châu Âu cũng chứng kiến số ca mắc mới giảm, trong đó biến chủng XBB.1.5 đang chiếm ưu thế ở Mỹ nhưng không có đột biến khiến số ca nặng và tử vong tăng. Hôm 26/1, CDC Mỹ cho biết những mũi vaccine thế hệ mới của Pfizer và Moderna có thể chống lại các biến chủng phụ Omicron.
Thục Linh (Theo AFP)