Mới đây, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thực hiện thành công ca ghép gan và tim cho hai bệnh nhân với nguồn tạng từ một chàng trai chết não do tai nạn giao thông tại TP HCM. Chấp nhận hiến tạng của người thân, gia đình người xấu số đã dũng cảm vượt qua nỗi đau và những quan niệm truyền thống.
Sau 5 ngày thuyết phục, lúc người nhà ký vào bản đồng ý hiến tạng của cậu con trai cũng là khi các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thở phào. Họ đã thuyết phục được hoàn toàn gia đình hiến thận, tim, gan của con mình. Chàng trai xấu số buộc phải sớm ra đi song đã giúp hồi sinh cuộc sống cho 6 người khác. Song song và sau đó, hàng trăm y bác sĩ sinh hóa, huyết học, X-quang, phẫu thuật... khẩn trương bắt tay thực hiện các thủ thuật để việc nhận và ghép tạng diễn ra thuận lợi. Cách Chợ Rẫy hơn 1.700 km, hai bệnh nhân Hà Nội đang trên bàn mổ đợi máy bay mang tim và gan chàng trai Sài Gòn chuyển ra.
Lặng thầm chuẩn bị suốt hơn mười năm qua dưới sự hướng dẫn của giáo sư Trần Ngọc Sinh, công cuộc hiến ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã bắt đầu mang lại kết quả, với những ca ghép tạng hiến tặng xuyên Việt. Tuy nhiên với hơn 16.000 bệnh nhân đang chờ đợi được ghép tim, gan, phổi, tụy, thận, giác mạc... trên cả nước, quá trình thuyết phục cộng đồng đăng ký và đồng ý hiến tạng vẫn còn muôn vàn thách thức. Khó khăn nhất trong ghép tạng hiện nay đối với các y bác sĩ Việt không phải vấn đề kỹ thuật mà là sự khan hiếm nguồn hiến mô, tạng.
Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, rào cản lớn nhất hiện nay là nhận thức của cộng đồng về việc hiến tạng. Quan niệm "chết phải toàn thây" khiến thân nhân những người chết não phân vân chần chừ khi ra quyết định. Hàng chục năm làm công việc vận động, bác sĩ Thu đối diện thường xuyên với chuyện bị từ chối.
"Không ít người chuẩn bị ký đơn đồng ý hiến tạng người thân mình để cứu nhiều người khác, bỗng dưng đổi ý chỉ sau một cuộc điện thoại của gia đình. Thế là mọi chuyện phải dừng lại vào phút cuối. Hoàn cảnh gia đình người ta lúc đó mất mát rối bời, chúng tôi rất thông cảm và không thể làm được gì hơn", bác sĩ Thu chia sẻ. Không ít gia đình bệnh nhân sau khi được ngỏ ý có đồng ý hiến tạng không thì liền xin xuất viện vì sợ ở lại sẽ bị bác sĩ "mổ lấy nội tạng".
Trò chuyện với gia đình bệnh nhân ở những giờ phút thập tử nhất sinh, các bác sĩ tùy vào từng trường hợp để có cách tiếp xúc hợp lý. Đặt mình vào hoàn cảnh, tâm lý, thể hiện sự tôn trọng chia sẻ với gia đình người hiến chính là nguyên tắc hàng đầu được đặt ra. Theo bác sĩ Thu, may mắn có những trường hợp do chính người trong cuộc đứng ra thu xếp. Bác sĩ nhớ mãi chuyện một người chồng có vợ chết não vì tai nạn giao thông. Thấu hiểu tâm tư của vợ, ông đi đến quyết định hiến tạng. Vấp phải sự phản đối của các con, ông bảo bác sĩ cứ yên tâm cho ông thêm thời gian để tự dàn xếp. Đến khi hiểu ra dù bác sĩ đã cố gắng nhưng không thể giữ mạng sống của mẹ, các con của ông mới nguôi ngoai để bố thực hiện ý nguyện.
Mỗi một lần nhận được sự đồng ý của một trường hợp hiến tạng là một lần hàng trăm con người chạy đua để kịp thời sử dụng tấm lòng ấy một cách hiệu quả toàn vẹn. Song đằng sau đó là nỗi đau của người thân. Trở lại thăm những gia đình hiến tạng nhiều năm trước, các bác sĩ rớt nước mắt vì những cay đắng mà thân nhân người chết phải gánh chịu. Có trường hợp hàng xóm, cán bộ địa phương tưởng người vợ nhận tiền để bán nội tạng chồng nên tỏ ý miệt thị. Thậm chí, khi bệnh viện hỗ trợ tiền ma chay cho bệnh nhân khó khăn, người địa phương lại tưởng gia đình bán tạng cho bệnh viện để lấy tiền. Có người mẹ sau khi hiến tạng của con thì bị gia đình bên chồng quay lưng từ mặt... Những tấm kỷ niệm chương của Bộ Y tế, bằng khen tri ân của bệnh viện... được nhiều gia đình đặt trang trọng trên bàn thờ người mất như một sự trân trọng và thanh minh với mọi người.
Đối mặt với những nghi ngờ về sự ưu tiên chọn lựa người hiến, các bác sĩ phải hết sức công tâm để tạo lòng tin ở mọi người. Tất cả đều phải dựa trên nguyên tắc của y khoa chứ không phải tùy tiện chọn lựa. Với trường hợp hiến tạng gần đây, kết quả xét nghiệm cả 4 người trong danh sách chờ đều tương thích nhưng lại chỉ có 2 quả thận. Khi đó các bác sĩ phải căn cứ vào ngày chạy thận để ưu tiên cho những người đã chạy lâu hơn. Riêng bệnh nhân chờ đợi nhận tim, gan, phổi... phải có tiêu chuẩn cấp cứu. Có thể bệnh nhân mới được bổ sung vào danh sách chờ nhưng người đang thở máy, nguy cơ tử vong, nếu có tạng tương thích thì nhất định phải được ưu tiên ghép ngay.
Trong suốt hành trình vận động hiến tạng, có gia đình tha thiết xin được hiến dù không đáp ứng đủ điều kiện khiến bác sĩ Thu mãi ấn tượng. Người bị nạn là một thầy giáo đã ly dị vợ, bị suy hô hấp phải thở máy. Người chị gái vốn đã làm đơn hiến xác cho y học ngỏ ý muốn hiến tạng em trai để cứu giúp những người khác. Lúc đến trình bày tâm nguyện, gia đình còn chu đáo chuẩn bị cả giấy đồng ý hiến tạng bố của con trai người bị nạn, giấy xác nhận đã ly hôn. Các bác sĩ giải thích bệnh nhân dù khó thể cứu được nhưng vẫn còn tỉnh táo, não vẫn còn chức năng, khả năng nhiễm trùng do viêm phổi nên khó có thể nhận tạng hiến.
"Khi bệnh nhân qua đời, không đủ điều kiện hiến tạng, người chị gái cứ mãi dằn vặt vì cái chết của em trai không thể cứu được mọi người như mong muốn. Bố của họ ngày xưa từng chết trong nghèo khó vì suy thận, các con sau đó đều đăng ký hiến tạng để có thể thực hiện ý nguyện tốt đẹp", bác sĩ Thu chia sẻ.
Danh sách bệnh nhân chờ ghép vẫn ngày càng tiếp nối với những hình ảnh khắc khoải trông đợi từng giờ được kéo dài sự sống. Không chỉ từ những cuộc đời được hồi sinh, chính chân tình ấm áp của người hiến tạng là động lực giúp các bác sĩ vận động hiến tạng không ngừng nghỉ với công việc gian truân nhưng ý nghĩa của mình.
Lê Phương