Tật đầu nhỏ là một bệnh cảnh mà vòng đầu của trẻ nhỏ hơn so với vòng đầu của trẻ ở cùng độ tuổi và giới. Tật đầu nhỏ xảy ra khi có một trong hai tình huống: bất thường làm cho não của bào thai ngừng phát triển trong tử cung; hoặc sau khi sinh đầu của trẻ ngừng phát triển. Tật đầu nhỏ có thể được gây ra bởi các yếu tố về di truyền, độc tố và các bệnh nhiễm trùng như Zika, Rubella, CMV.
Trẻ em sinh ra với tật đầu nhỏ thường gặp nhiều khó khăn và thách thức khi lớn lên. Các di chứng thần kinh ở trẻ bị tật đầu nhỏ có thể bao gồm co giật, bất thường nghe hoặc nhìn, chậm phát triển về trí tuệ và vận động (như chậm lẫy, đứng, đi, giảm khả năng học) và ăn uống khó khăn (như nuốt khó). Tại các nước phát triển như Mỹ, chi phí chăm sóc cho một trẻ mắc tật đầu nhỏ khi sinh ra cho đến hết đời có thể lên đến 10 triệu USD, chưa kể những tác động lên gia đình và xã hội.
Các bằng chứng khoa học gần đây cho thấy phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ thì trẻ sinh ra có nguy cơ mắc hội chứng Zika bẩm sinh. Đây là một dạng khuyết tật về cấu trúc và chức năng gây tổn thương thứ cấp đến hệ thống thần kinh trung ương, thần kinh ngoại biên. Biểu hiện có thể phát hiện được trong thai kỳ là đầu nhỏ. Ngoài ra còn một số biểu hiện của hội chứng này như các khuyết tật về nhận thức, giác quan và vận động, không phát hiện được trong thai kỳ. Kể cả kích thước não bình thường trong thai kỳ, khi sinh ra não không phát triển, cũng gọi là đầu nhỏ.
Phó giáo sư Phan Trọng Lân
Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM