"Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lần này có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói tại cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn quốc, chiều 15/6.
Kế hoạch triển khai tiêm chủng lớn nhất này diễn ra khi Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.
Tính cả khoảng một triệu liều do Nhật Bản tặng vào ngày 16/6, Việt Nam nhận được gần 4 triệu liều vaccine. Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sáng nay cũng cho biết cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, Việt Nam có thể nhận thêm hơn một triệu liều vaccine từ Covax Facility.
Dự kiến trong quý 3, khoảng 2 triệu liều vaccine Bộ Y tế mua từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC có thể về nước, ngoài ra còn có 3 triệu liều của Pfizer. Tuy nhiên, thời gian vaccine chuyển về Việt Nam có thể thay đổi. Các nguồn vaccine sắp tới cũng chưa rõ ràng về thời gian cung ứng và số lượng.
Tính đến 15/6, Việt Nam đã tiêm chủng cho trên 1,55 triệu người với gần 60.000 người đã tiêm đủ 2 mũi. Số người đã được tiêm chủng (một mũi) tương đương 2,1% số người có chỉ định tiêm chủng.
Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam phải tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, tương đương 150 triệu liều.
Bộ trưởng Long phân tích, khác với các lần trước, ở chiến dịch tiêm chủng này Việt Nam đã có kinh nghiệm. Gần đây nhất, Việt Nam đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng 23 triệu liều vaccine sởi - rubella cho trẻ em. Tuy nhiên, do quy mô của chiến dịch này lớn hơn nhiều nên đòi hỏi có sự tham gia của các bộ, ngành.
"Chúng ta sẽ thiết lập 8 kho bảo quản, trong đó một kho tại Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và 7 kho tại 7 Quân khu trong toàn quốc để khi vaccine về sân bay là ngay lập tức vận chuyển về các kho này bảo quản. Các kho đều phải đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP), từ đó các xe lạnh vận chuyển vaccine tỏa đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc", ông Long thông tin.
Ông Long đề nghị ngay từ bây giờ cần thiết lập rất nhanh các kho này, rà soát, kiểm tra lại các yếu tố liên quan đến hậu cần, vật chất, hệ thống dây chuyền lạnh, máy phát điện để bổ sung... nhằm đảm bảo các tiêu chí về bảo quản vaccine an toàn, tránh các tình huống không mong muốn xảy ra.
Theo Bộ trưởng, tất cả các điểm tiêm chủng lần này hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vaccine được sử dụng.
Để làm điều này, theo Bộ trưởng phải đẩy nhanh áp dụng sổ sức khỏe điện tử, đăng ký tiêm chủng qua app và qua tin nhắn. Mỗi người dân khi nhận được nhắn tin mời đăng ký tiêm thì có tin nhắn phản hồi. Người dân sẽ biết thời gian tiêm và điểm tiêm... Như vậy sẽ tiến đến quản lý hồ sơ "hộ chiếu vaccine" dễ dàng.
Một điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này là việc tổ chức tiêm tại các điểm tiêm sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng online thay vì trước đây giao cho các đơn vị quản lý. Khoảng 15.000 điểm tiêm chủng đã có nhân lực, tài khoản sẽ cập nhật và đưa lên bản đồ tiêm chủng, công khai với toàn dân về quy trình tiêm chủng, số liều vaccine đã sử dụng, số người được tiêm.
Ông Long cho rằng toàn bộ quy trình tiêm đã được rà soát lại để làm sao cắt ngắn, nhưng vẫn tuân thủ "tiêm đến đâu an toàn đến đó".
Sở Chỉ huy của chiến dịch tiêm chủng lần này đặt tại Bộ Quốc phòng do một Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân làm chỉ huy, có sự tham gia của các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải...
Đối với hệ thống y tế quốc phòng và công an, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng an toàn, riêng lực lượng quân đội tập huấn thêm về quy trình vận chuyển, bảo quản vaccine.
"Chúng ta phải đảm bảo toàn bộ quy trình chuyên môn từ vận chuyển, bảo quản đến tổ chức tiêm và tiêm là phải an toàn", Bộ trưởng nhắc lại.
Với ứng dụng công nghệ thông tin trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lần này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng thông tin, các đơn vị trực thuộc Bộ cùng các doanh nghiệp công nghệ đang nỗ lực để hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng.