Khuẩn Chlamydia pneumoniae. |
Ngày 31/8, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận cấp cứu cặp song sinh Trương Quang Tường và Trương Ngọc Lan (32 tháng tuổi, quận Tân Bình), viêm phổi không điển hình. Cả hai đều sốt, ho nhiều, thở nhanh; riêng bé Lan do phổi tổn thương nặng nên khó thở, thở co lõm ngực. Hình ảnh X-quang cho thấy bé Tường bị viêm phổi kẽ, bé Lan thì viêm phổi nặng cả hai bên, đã tổn thương nhu mô phổi. Các bác sĩ nghĩ tới khả năng 2 bệnh nhi bị viêm phổi cấp không điển hình do vi khuẩn. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy tác nhân gây bệnh là khuẩn Chlamydia pneumoniae.
Sau một tuần điều trị cấp cứu và dùng kháng sinh mạnh, 2 trẻ đã phục hồi khá tốt, hiện đã ra khỏi khoa hồi sức cấp cứu. Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, rất may Lan và Tường đã được cấp cứu kịp thời, vì viêm phổi do Chlamydia pneumoniae là một bệnh hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Nếu chậm trễ, bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp nặng và tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, tác nhân viêm phổi không điển hình ngoài Chlamydia pneumoniae còn có các vi khuẩn như Mycoplasma pneumoniae, Legionella pnemophilia. Đặc điểm của bệnh là các biểu hiện lâm sàng không tương xứng với hình ảnh X-quang phổi. Ở một số trẻ, hình ảnh X-quang cho thấy phổi tổn thương nặng, trẻ thở nhanh, co lõm ngực, nhưng vẻ mặt ngoài lại bình thường. Những trẻ khác có biểu hiện bên ngoài rất nặng nhưng hình ảnh X-quang phổi lại không có tổn thương đáng kể.
Ở bệnh viêm phổi không điển hình, có trẻ chỉ bị sốt nhẹ hoặc trung bình, ho dai dẳng; nhưng có trẻ lại suy hô hấp rất nhanh. Chính điều này làm cho cả bác sĩ và cha mẹ dễ chủ quan, không đánh giá hết tình trạng bệnh.
Để phát hiện sớm viêm phổi không điển hình do vi khuẩn, bác sĩ Tiến khuyên các bậc cha mẹ đưa con đi khám ngay khi thấy trẻ bỏ bú, bỏ ăn, khó thở, thở bất thường.
(Theo Tuổi Trẻ)