Theo Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Viện phó Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đa số hoạt chất trong thảo dược khi vào cơ thể ít được hấp thu hoàn toàn nên không phát huy hết hiệu quả phòng trị bệnh. Vì vậy, các nhà khoa học nghiên cứu phương pháp ứng dụng công nghệ nano để bào chế thảo dược.
Ngày 19/7, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chuyển giao công trình nghiên cứu bào chế thảo dược ứng dụng công nghệ nano cho 3 đơn vị sản xuất dược phẩm. Công nghệ này sử dụng phương pháp lên men tạo ra các phân tử hoạt chất nhỏ đến kích cỡ nano mét, nhằm giúp cơ thể hấp thu hiệu quả thuốc mà không gây tác dụng phụ.
"Hoạt chất dạng nhỏ cỡ nano dễ dàng xâm nhập vào mô, dịch và tế bào bị bệnh, tăng độ tan và khả năng được cơ thể hấp thu tối đa nên tăng hiệu quả điều trị, giảm liều lượng thuốc điều trị, giảm độc tính thuốc", giáo sư Nghĩa nói.
Trước đó Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Thị Thảo, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, nghiên cứu đề tài Độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và kháng khối u ung thư trên chuột, ứng dụng công nghệ nano. Nghiên cứu thực hiện cuối năm 2018 kéo dài hơn 6 tháng trên 150 con chuột, cho thấy dùng thảo dược nano hiệu quả trong kháng khối u, giảm tác dụng phụ khi hóa trị, không gây tác dụng bất lợi nào cho cơ thể và có thể sử dụng lâu dài. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên Sage, một tạp chí quốc tế uy tín trong lĩnh vực hóa sinh.
Hiện các nhà nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ nano để bào chế thảo dược từ hoa hòe, nghệ...
Thùy Anh