Đây là một phần chiến lược điều trị sau ngày 15/9, được Sở Y tế nêu trong tờ trình gửi UBND TP HCM về Kế hoạch phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, 10 cơ sở này gồm 5 trung tâm hồi sức do các bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế, Đại học Y dược phụ trách, cùng các bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Quân y 175, Chợ Rẫy, Dã chiến 5G, Dã chiến Phước Lộc.
Để nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong, Sở Y tế TP HCM tiếp tục định kỳ tổ chức giao ban giữa 81 bệnh viện thuộc tầng 2 (64.400 giường) và 10 cơ sở tầng 3 (4.600 giường). Những cuộc họp này nhằm tăng cường sự kết nối và liên thông giữa các nơi trong việc "chuyển viện hai chiều", giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các bệnh viện. Bệnh viện tầng 3 tăng cường chuyển giao kỹ thuật về hồi sức cấp cứu xuống tầng 2, điều phối trang thiết bị hồi sức chuyên sâu.
Ngành y tế cũng có kế hoạch ưu tiên chuyển đổi các bệnh viện thành phố, quận huyện về chức năng ban đầu khi dịch bệnh ổn định để tiếp nhận người bệnh mắc các bệnh lý không phải Covid-19. Đồng thời, thành phố duy trì một số bệnh viện dã chiến để thu dung điều trị Covid-19. Các bệnh viện quận, huyện khi tái cấu trúc trở về công năng ban đầu vẫn phải đảm bảo duy trì khu cách ly điều trị dành cho người bệnh Covid-19 với quy mô tối thiểu là 20-40 giường có oxy, tùy theo từng bệnh viện.
Trong mũi nhọn chăm sóc, quản lý F0 tại nhà và cộng đồng, các phường xã được yêu cầu tiếp tục quản lý danh sách F0 trên địa bàn, sàng lọc các điều kiện cách ly tại nhà, đảm bảo 100% F0 tại nhà được chăm sóc và quản lý tại các tuyến y tế cơ sở và được cấp phát đầy đủ túi thuốc (gói A, B và C).
F0 tại nhà sẽ được tư vấn, hướng dẫn tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe mỗi ngày. Nhân viên y tế tổ chức khám chữa bệnh từ xa và theo dõi sức khỏe, khám chữa bệnh tại nhà đối với các trường hợp có nguy cơ cao hoặc có triệu chứng. F0 có dấu hiệu chuyển nặng được phát hiện và sơ cấp cứu, chuyển viện kịp thời, không để xảy ra trường hợp tử vong tại nhà.
Mô hình trạm y tế lưu động hỗ trợ cho các trạm y tế cố định trong chăm sóc F0 tại nhà được duy trì đến khi kiểm soát được dịch. Thành phố sẽ có cơ chế và giải pháp để huy động tối đa mọi nguồn lực trong cộng đồng, bao gồm hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà. Trong đó, thành phố triển khai thí điểm mô hình y tế tư nhân tham gia chăm sóc F0 tại nhà, tham gia vận hành khu cách ly tập trung, điều trị F0 tại các bệnh viện.
Hiện, để chia lửa với y tế công lập, 9 bệnh viện đa khoa và 1 bệnh viện chuyên khoa tư nhân đã tham gia tiếp nhận điều trị Covid-19 với tổng số giường là 1.085.
Thời gian qua, giải pháp điều trị F0 tại nhà vừa giúp giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần nhanh chóng hồi phục. Số lượng F0 cách ly tại nhà có xu hướng tăng nhanh do thành phố đẩy mạnh triển khai chăm sóc và theo dõi F0 tại nhà, từ giữa tháng 8. Số này đặc biệt tăng cao từ ngày 26/8 với hơn 27.000 trường hợp, chiếm 34% F0 lên hơn 84.000 trường hợp trong ngày 5/9, chiếm 56% F0 phát hiện. Hiện, nhiều trường hợp hồi phục và hoàn thành cách ly tại nhà.
Về nguồn nhân lực, TP HCM chuẩn bị phương án nguồn nhân lực tại chỗ tiếp tục đảm trách công tác phòng, chống dịch sau khi nhân lực hỗ trợ của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng điều chuyển đến nơi khác. Thành phố cũng tính toán phục hồi nguồn nhân lực y tế ở các tuyến ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh, phân bổ lại nguồn nhân lực, ưu tiên tăng cường cho hệ thống y tế cơ sở, khuyến khích bác sĩ nghỉ hưu, các tình nguyện viên là người F0 đã hồi phục tham gia chống dịch.
TP HCM tiếp tục tăng cường số giường oxy đảm bảo cho số người bệnh cần hỗ trợ hô hấp. Thời gian qua, thành phố lắp đặt gần 8.000 giường có oxy (khâu thở), 113 bồn oxy tại các bệnh viện với tổng dung tích 821 m3. Cung cấp đủ thuốc điều trị để luôn đảm bảo cơ số thuốc luôn lớn hơn số người F0 đang điều trị và người F0 mới phát hiện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng do thiếu thuốc nên người bệnh không nhận được thuốc.
Báo cáo kết quả các giải pháp giảm tỷ lệ tử vong tại TP HCM, ngày 9/9, Sở Y tế TP HCM cho biết số F0 nhập viện tại TP HCM đang cao hơn số xuất viện, tuy nhiên khoảng cách này đang bị thu hẹp dần nên ngành y tế dự báo thời gian tới số xuất viện sẽ bằng hoặc cao hơn nhập viện. Tình hình tử vong do Covid-19 trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến, tuy nhiên việc giảm tử vong này còn chậm, số trường hợp nhập viện với tình trạng nặng cần hỗ trợ hô hấp vẫn còn cao.
Sở Y tế TP HCM nhận định trong giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát với biến chủng Delta, số ca mắc tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn gây quá tải hệ thống điều trị của thành phố, do đó số ca nặng và tử vong tăng cao. Với việc triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống điều trị hình tháp 3 tầng, triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà, xây dựng gói thuốc mẫu cho F0 tại nhà, sử dụng các thuốc mới trong điều trị Covid-19 và nhất là tăng nhanh độ phủ tiêm vaccine trong bối cảnh tăng cường giãn cách xã hội của thành phố, dự báo số ca nặng và tử vong sẽ giảm sau ngày 15/9, tình hình dịch bệnh của thành phố sẽ chuyển từ mức cao sang mức trung bình và sẽ kiểm soát được dịch.
Bên cạnh tập trung chiến lược điều trị, TP HCM đẩy mạnh bao phủ vaccine, tiến tới 100% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đấu, người có nguy cơ cao như có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cùng các Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận, huyện củng cố hệ thống giám sát, phát hiện kịp thời ca bệnh, chùm ca bệnh mới trong cộng đồng, điều tra, truy vết khi phát hiện ca F0 không rõ nguồn gốc, kiểm soát và ngăn chặn chuỗi lây nhiễm mới, giám sát sự tuân thủ các biện pháp phòng bệnh.
Ngành y tế cũng lên kế hoạch phối hợp các đơn vị xây dựng hệ thống giám sát thường quy ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh... bao gồm xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho người lao động ít nhất một lần mỗi tuần. Tầm soát nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên giao hàng, tài xế, công an... và vùng nguy cơ cao ít nhất mỗi 7 ngày.