Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết kỹ thuật phun mù nhiệt theo công nghệ Singapore để phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết. Cuối tuần qua, 3 quận gồm 2, 9, Thủ Đức đã được phun thuốc diệt muỗi theo công nghệ này. Đây là những nơi có số lượng người đông, môi trường sống nhiều bụi rậm dễ phát sinh muỗi.
So với kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi trước đây (kỹ thuật phun sương lạnh), kỹ thuật phun mù nhiệt có kích thước hạt thuốc siêu nhỏ, phát tán nhanh ra khu vực rộng, hạt thuốc nhẹ, lơ lửng trong không khí lâu hơn. Ưu điểm của kỹ thuật này là hóa chất phun ra tạo thành luồng sương khá dày đặc, mắt thường có thể nhìn thấy được, người thực hiện kiểm soát được lượng hóa chất được phun ra môi trường. Luồng sương hóa chất bay lâu, tồn lưu lâu hơn trong không khí, có thể len lỏi được trong các bụi rậm, duy trì thời gian diệt côn trùng đang bay lâu hơn. Đây là kỹ thuật được một số nước trên thế giới như Brazil, Singapore áp dụng diệt muỗi để phòng chống bệnh do virus Zika.
Theo bác sĩ Dũng, hạn chế của kỹ thuật này là luồng khói khá dày đặc cản trở giao thông, gây tâm lý lo lắng cho người dân, có thể kích hoạt hệ thống báo cháy tự động trong các khu nhà cao tầng.
Kỹ thuật phun mù nhiệt là biện pháp bổ sung cho biện pháp phun sương lạnh được sử dụng thời gian qua. Những khu vực không thể áp dụng kỹ thuật phun sương lạnh thì thực hiện kỹ thuật phun mù nhiệt. TP HCM đang thử nghiệm sử dụng biện pháp này đối với các khu vực ngoài nhà dân, nơi có nhiều bụi rậm, tầng hầm các khu nhà cao tầng, trường đại học, công trình xây dựng…
Các chuyên gia khuyến cáo, việc phun hóa chất diệt muỗi của ngành y tế hiện chỉ là biện pháp cấp bách ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Biện pháp hiệu quả nhất vẫn là diệt loăng quăng mà mọi người dân đều có thể chủ động thực hiện để phòng tránh bệnh.
>>> Xem thêm So sánh ưu nhược điểm của phun mù nhiệt và phun sương lạnh
Lê Phương