Đây là ca đầu tiên mà Bệnh viện An Sinh sử dụng phương pháp phân lập tế bào gốc tự động, chỉ tốn 75 phút trong khi kỹ thuật cũ cần đến 4 giờ, tiến sĩ Mai Văn Điển, Giám đốc bệnh viện, cho biết. Bên cạnh việc tiêm vào khớp gối, bệnh nhân 58 tuổi còn được tiêm tế bào gốc vào vùng mặt để làm mờ nếp nhăn, truyền tế bào gốc đường tĩnh mạch sửa chữa tổn thương của các cơ quan bên trong, giúp trẻ hóa cơ thể.
"Hệ thống mới giúp phân lập được lượng tế bào gốc nhiều hơn, thời gian ngắn hơn nên bệnh nhân không chờ đợi lâu, quá trình xử lý tự động hoàn toàn trong chu trình kín tránh nhiễm trùng", bác sĩ Điển nói.
Trước đây, bệnh viện phân lập theo quy trình thủ công, tách mỡ bằng bộ kit của Australia sau đó ly tâm lấy tế bào gốc sử dụng, mất nhiều thời gian hơn, số lượng tế bào gốc không nhiều, có thể nguy cơ nhiễm trùng. Hiện nay hệ thống mới còn tách được tế bào mỡ tinh khiết, dầu béo để ứng dụng trong thẩm mỹ. Bệnh viện đang thử nghiệm, đánh giá kết quả ở một số bệnh nhân, dự kiến chính thức điều trị vào cuối năm.
Mô mỡ là nguồn thu nhận tế bào gốc dồi dào, do mỡ phân bố khắp nơi trong cơ thể. Việc thu thập mô mỡ được thực hiện dễ dàng, xấm lấn không đáng kể, thường lấy ở vùng bụng dưới, có thể được sử dụng trực tiếp sau khi thu thập mà không cần qua quá trình nuôi cấy tăng sinh. Tế bào gốc từ mô mỡ có khả năng tăng sinh mạnh mẽ, ổn định và duy trì tiềm năng biệt hóa cao hơn so với từ tủy xương.
Tế bào gốc từ mô mỡ tốt nhất nên lấy ở người dưới 50 tuổi. Hiện nay một số sản phụ khi sinh mổ được bác sĩ lấy mỡ, tách tế bào gốc và lưu trữ ở ngân hàng tế bào gốc để thuận tiện sử dụng khi cần.
Kỹ thuật dùng tế bào gốc điều trị thoái hoá khớp hiện đã có trong danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế. Một số cơ sở khám chữa bệnh đang thử nghiệm dùng tế bào gốc điều trị một số nhóm bệnh như phổi tắc nghẽn mạn tính, chấn thương tuỷ sống, vết loét khó lành... Ngoài mô mỡ, hiện nay tế bào gốc phân lập và tăng sinh từ dây rốn cũng được một số bệnh viện thử nghiệm điều trị một số bệnh lý như tiểu đường, bệnh tự miễn.