Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, chiều 13/9 cho biết các tình nguyện viên đã tiêm liều một an toàn. Một số phản ứng phụ thường gặp sau tiêm gồm sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp... Số ít buồn nôn song đã được chăm sóc y tế và hồi phục.
Covivac là vaccine Covid-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển, là vaccine thứ có một liệu trình gồm hai liều tiêm, cách nhau 28 ngày. Vaccine đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai trên 375 người tại ba xã gồm Minh Lãng, Việt Hùng và Bách Thuận của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, bắt đầu từ 11/8. Các tình nguyện viên chia làm ba nhóm gồm 18-39 tuổi, từ 40 đến 59 tuổi và từ 60 tuổi trở lên. Mỗi nhóm khoảng 125 người, tỷ lệ nam nữ tương đối cân bằng.
Theo đề cương thử nghiệm, giai đoạn hai nhằm tiếp tục xác định tính an toàn, một phần tính sinh miễn dịch và tìm ra mức liều tối ưu để đưa vào thử nghiệm giai đoạn ba. Hiện vaccine thử nghiệm hai mức liều gồm 3 mcg, 6 mcg và sử dụng vaccine AstraZeneca để đối chứng.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện IVAC, cho biết nhóm nghiên cứu cũng đang xây dựng đề cương thử nghiệm vaccine giai đoạn ba. Trong đó, nhóm dự định sẽ thực hiện trên 4.000 người ở các tỉnh Khánh Hoà, Bắc Ninh và Thái Bình, so sánh với nhóm tiêm vaccine đã được cấp phép là AstraZeneca. Dự kiến, giai đoạn ba bắt đầu vào tháng 12 năm nay.
"Chúng tôi vẫn đang xin ý kiến của các chuyên gia về số lượng tình nguyện viên và thiết kế thử nghiệm giai đoạn ba, song mong muốn giữ nguyên thiết kế nghiên cứu vaccine so sánh với một vaccine đã được cấp phép", tiến sĩ Thái nói.
Covivac là ứng viên vaccine Covid-19 tiềm năng thứ hai tại Việt Nam. Ứng viên vaccine Covid-19 thứ nhất là Nanocovax, hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, bước vào quá trình đánh giá giữa kỳ để xin cấp phép khẩn cấp. Ứng viên thứ ba là ARCT-154, hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một tại Hà Nội.
Chi Lê