Bệnh nhân Covid-19 nặng, giai đoạn này, chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh nền hoặc bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đà Nẵng.
Sáu bệnh nhân được ghi nhận trong tình trạng nặng là 416, 418, 436, 438, 437, 433. Trong đó, hai ca 416 và 437 đã phải can thiệp ECMO - hệ thống tuần hoàn oxy ngoài cơ thể, còn gọi là tim phổi nhân tạo. Một số bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế, giảm bớt gánh nặng cho Đà Nẵng.
"Họ hầu hết có những biến chứng về hô hấp, tim mạch, nhiễm trùng", Thứ trưởng Sơn nói với VnExpress, trưa 30/7.
Theo ông Sơn, toàn ngành y tế đang tập trung cả về nhân lực và trang thiết bị để hỗ trợ Đà Nẵng cũng như các địa phương có dịch, từ kiểm soát dịch bệnh cho đến điều trị bệnh nhân.
Bộ Y tế đã cử 6 đội công tác đặc biệt gồm các chuyên gia hàng đầu đến Đà Nẵng hỗ trợ chống Covid-19. Các đội gồm những chuyên gia có kinh nghiệm trong việc điều tra dịch tễ, cách ly, điều trị và xét nghiệm. Các nhóm bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có mặt ở Đà Nẵng để điều trị bệnh nhân nặng.
Trước bối cảnh lây nhiễm nCoV cộng đồng nhanh chóng, cùng việc đón công dân nước ngoài về, có cả những người dương tính, khiến số lượng bệnh nhân nhiều, ông Sơn cho biết lúc này, hệ thống y tế vẫn đủ năng lực chống đỡ. Khả năng thu dung cách ly và điều trị vẫn đáp ứng. Giai đoạn trước, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản tiếp nhận và điều trị hơn 3.000 bệnh nhân nhiễm nCoV. Tuy nhiên, tùy vào tình hình dịch bệnh cũng như số lượng bệnh nhân mà kế hoạch đón công dân về nước có thể thay đổi. Việc này quyết định bởi Ban chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng.
Về trang thiết bị y tế, hiện ngành có khoảng 7.000 máy thở ở các bệnh viện. Các máy ECMO vẫn đủ để điều trị trong giai đoạn hiện tại. Ngành y tế đã có kế hoạch mua thêm máy ECMO, đặt ở các bệnh viện lớn để điều trị bệnh nhân nặng. Số lượng giường bệnh đảm bảo cho việc cách ly và điều trị bệnh nhân.
Việt Nam có 90.000 bác sĩ, 125.000 điều dưỡng. Hầu hết bác sĩ được đào tạo đa khoa, có thể huy động cho phòng dịch khi cần.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, các ca lây nhiễm cộng đồng liên tục được ghi nhận. Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đề nghị các bệnh viện tuyệt đối tuân thủ quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh, điều trị, chống nhiễm khuẩn... Các bệnh viện phải có kế hoạch dự phòng tình huống đông bệnh nhân, thực hiện phân tuyến điều trị, giảm thiểu tử vong, hỗ trợ chuyên môn cho Đà Nẵng điều trị bệnh nhân nặng.
"Các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị Covid-19, bởi căn bệnh này rất nguy hiểm, lơ là một chút là bệnh nhân có thể diễn biến xấu rất nhanh. Chúng ta phải nỗ lực cao nhất, không để bệnh nhân tử vong", ông Khuê nói.
Khi có các yếu tố dịch tễ nghi ngờ, nhân viên y tế phải trang bị ngay phương tiện phòng hộ cá nhân để phòng ngừa lây nhiễm.
"Cuộc chiến phòng chống Covid-19 còn dài, phía trước còn rất nhiều thách thức. Đầu tiên chúng ta phải bảo vệ các bác sĩ và nhân viên y tế, để còn có người điều trị cho bệnh nhân", ông Khuê nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các bệnh viện, khoa phòng tiếp tục đảm bảo thông khí, bám sát hướng dẫn chẩn đoán và phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Tính đến trưa nay, Việt Nam ghi nhận 459 ca nhiễm, trong đó 369 người đã khỏi, còn 90 bệnh nhân đang điều trị.