Giáo sư Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cần thay đổi triệt để thói quen trong bữa ăn và chế biến thực phẩm để giảm nguy cơ lây nhiễm.
"Không dùng đũa để gắp thức ăn chung, chấm chung bát nước mắm, thớt chung cho thức ăn sạch và đồ sống, chậu rửa mặt chung, ăn các loại động vật hoang dã và không rõ nguồn gốc", ông Tuyên khuyến cáo.
Cần ăn uống đảm bảo vệ sinh, luôn ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm. Không sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua đường ăn uống. Trên mâm hay bàn ăn, phải có thìa/muỗng/đũa để lấy thức ăn vào bát riêng, sau đó mới sử dụng thìa/muỗng/đũa cá nhân để thưởng thức món ăn của mình. Không uống chung ly nước hoặc đồ đựng các loại thức uống với người khác.
Theo ông Tuyên, khi tuân thủ những nguyên tắc trên, không chỉ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 mà còn hạn chế lây nhiễm các virus, vi khuẩn gây bệnh khác như HP, viêm gan B, cúm...
Nên thay đổi thói quen đi chợ và đừng tin tưởng tủ lạnh quá mức. Khi đi chợ, mang găng tay, mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Về nhà, cần rửa thực phẩm sạch sẽ, chế biến, chia thành các túi, hộp nhỏ riêng biệt có nắp kín trước khi đưa vào tủ lạnh và không giữ thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu.
"Có nhiều bà nội trợ mua thực phẩm về đặt cả túi nilon vào tủ lạnh. Đây là thói quen hết sức sai lầm vì người bán đã chạm tay vào túi nilon, người mua lại tiếp tục chạm, đặt để nhiều chỗ trước khi về nhà", ông Tuyên nói. "Để các thực phẩm chung với nhau sẽ là nguồn lây nhiễm virus, vi khuẩn ngay trong tủ lạnh".
Theo ông Tuyên, bên cạnh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nên lưu ý dinh dưỡng hợp lý để tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Hệ miễn dịch bẩm sinh cũng như hệ miễn dịch chủ động đều hình thành qua các tế bào lympho T, lympho B và cần có các nguyên liệu để phát triển. Hệ miễn dịch ngày càng hoàn chỉnh thông qua hấp thu các chất dinh dưỡng, tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh và tạo ra kháng thể.
Mỗi ngày, cơ thể cần 60 chất khác nhau, trong đó tới 40 chất cơ thể không tự tổng hợp được, phải lấy từ thức ăn. Do đó, mỗi người cần ăn đa dạng thực phẩm thuộc nhiều nhóm khác nhau: Đạm, dầu mỡ, tinh bột, rau xanh... Uống nước đúng cách, mỗi ngày phải đủ từ 2,5 đến 3 lít, không nên chờ khi cổ họng khô khát mới uống.
Ngoài ăn uống, để có hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, thể lực tốt cần hạn chế các thói quen xấu như lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá và phải tập thể dục đều đặn.
Trẻ em và bà mẹ mang thai, phải tránh yếu tố lây nhiễm, tránh đến nơi đông đúc hoặc tiếp xúc người có nguy cơ cao. Rửa tay thường xuyên khi sờ vào các vật dụng như nắm cửa, tay vịn cầu thang... Sử dụng khẩu trang. Bà mẹ và trẻ em phải thường xuyên duy trì mức độ ăn uống tốt, đa dạng, đủ chất.
Tiến sĩ Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết người bệnh nền càng phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Người bệnh bị tiểu đường và huyết áp việc quan trọng là phải kiểm soát được lượng bột đường trong thực phẩm của mình. Nên ăn các thực phẩm có chất bột đường như cơm, bún, phở, ngô, khoai... ưu tiên các loại gạo lức, gạo giã dối. Ăn đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, ăn nhiều rau, ăn rau trước khi ăn cơm. Trái cây ăn nguyên dạng hơn là vắt nước quả, xay sinh tố, ăn đủ các loại thịt cá, đậu đỗ...
Bệnh nhân tiểu đường và cao huyết áp,cần tuân thủ chế độ ăn giảm muối, không ăn mặn, hạn chế các loại nước ngọt, bánh kẹo... Duy trì hoạt động thể lực và giữ cho tinh thần thoải mái để tăng cường khả năng miễn dịch.
Bệnh nhân ung thư sức đề kháng suy giảm hơn so với người bình thường, cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ để phòng tránh sụt cân. Ăn đầy đủ và đa dạng các thực phẩm để tăng cường sức đề kháng cơ thể.