Chương trình do Bộ Y tế, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và tổ chức phi lợi nhuận y tế toàn cầu PATH phối hợp, nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12). Việt Nam trở thành nước thứ hai ở châu Á, sau Thái Lan, triển khai chương trình ở cấp quốc gia.
Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương, Cục Phó Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam, cho biết giai đoạn 2018-2020 hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ PrEP cho ít nhất 7.300 người tại 11 tỉnh, thành. Từ tháng 6/2017, chương trình thí điểm dịch vụ PrEP ở TP HCM và Hà Nội đã giúp gần 2.000 người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao được sử dụng thuốc.
PrEP cho phép những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao dự phòng bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc. Nếu một người dùng PrEP phơi nhiễm với HIV qua quan hệ tình dục không an toàn hoặc tiêm chích ma túy, thuốc sẽ hoạt động để ngăn ngừa sự xâm nhập của virus gây ra nhiễm HIV. Sử dụng PrEP đúng cách có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV đến 92%. Có thể ngừng PrEP 28 ngày sau lần phơi nhiễm HIV cuối cùng.
Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Mỹ cho biết chính phủ Mỹ đã đầu tư hơn 800 triệu USD hỗ trợ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Dịch vụ điều trị duy trì sự sống bằng thuốc kháng virus ARV đã hỗ trợ cho 80.000 người Việt, trong đó có 2.800 trẻ em.
"Việt Nam dẫn đầu trên toàn cầu trong việc duy trì bền vững ứng phó HIV thông qua bảo hiểm y tế", bà Mary Tarnowka nói. Với giá trị gần 6 triệu USD, đơn hàng thuốc kháng virus ARV đầu tiên từ nguồn bảo hiểm y tế sẽ cung cấp thuốc cho 33% tổng số bệnh nhân điều trị ARV trong năm 2019.
Việt Nam hiện có hơn 200.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV. Ước tính còn khoảng 50.000 người nhiễm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.