Trong công văn gửi các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc ngày 11/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết đang có tình trạng thiếu nguồn cung ứng vitamin A để sử dụng cho chương trình y tế, đặc biệt là ở TP HCM.
Hiện chỉ có ba thuốc vitamin A (hàm lượng 5.000 IU) có Giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Do đó, để đảm bảo nguồn cung, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu cần tăng cường nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vitamin A nói chung và vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 IU và 200.000 IU).
Trước đây, vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 IU và 200.000 IU) dùng để bổ sung cho trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi, được các tổ chức nước ngoài viện trợ, nhập khẩu vào Việt Nam và phân bổ cho các địa phương theo nhu cầu.
Song, từ năm 2023, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm vitamin A từ nguồn kinh phí địa phương hoặc từ nguồn của Chương trình Mục tiêu quốc gia đã được phân bổ.
Tình trạng thiếu vitamin A đã xảy ra từ cuối năm ngoái, TP HCM phải hoãn cho trẻ uống vitamin A liều cao do chưa nhận được phân bổ. Sau đó, thành phố được Viện Dinh dưỡng Quốc gia cung cấp.
Hàng năm, ngành y tế tổ chức hai đợt uống vitamin A vào đầu tháng 6 và đầu tháng 12 cho trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin này. Trẻ được uống vitamin A tại các trạm y tế phường, xã hoặc trường học.
Bổ sung vitamin A liều cao là một trong những giải pháp hiệu quả giúp phòng chống các bệnh về mắt do thiếu vitamin A, tăng đề kháng, giúp trẻ phát triển tốt. Theo chuyên gia, trẻ uống vitamin A chậm hơn so với kế hoạch trong vài tuần không ảnh hưởng nhiều đối với sức khỏe. Tuy nhiên, về lâu dài, trẻ thiếu vitamin A thường chậm phát triển, dễ bị nhiễm trùng, mờ giác mạc và thậm chí gây mù vĩnh viễn.
Lê Nga