Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca sốt xuất huyết tăng mạnh trong hai tuần gần đây, mỗi tuần ghi nhận hơn 1.000 người mắc bệnh. Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 30/10, thủ đô ghi nhận hơn 9.700 ca sốt xuất huyết, trong đó 58% tại các huyện ngoại thành, 42% ở nội thành.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đánh giá số ca tăng 3,2 lần so với cùng kỳ 2021 và vượt mức trung bình giai đoạn 2019-2021. CDC ghi nhận 12 trường hợp tử vong, trong khi năm 2021 không có người chết vì sốt xuất huyết.
Hiện Thanh Oai, Đống Đa, Hà Đông ghi nhận số lượng ổ dịch mới nhiều nhất, mỗi quận thêm 8-10 ổ dịch. Ổ dịch có nhiều bệnh nhân nhất là ở thôn Bùng (Phùng Xá, Thạch Thất) với 186 ca mắc tích lũy từ đầu năm đến nay.
Lý giải về số mắc sốt xuất huyết tăng mạnh, đại diện các quận cho rằng hiện là thời điểm thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Thạc sĩ, bác sĩ Hà Huy Tình, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, cho biết sốt xuất huyết thường bùng phát tại Hà Nội vào tháng 6-11, trong đó cao điểm vào tháng 9-11. "Đây là chu kỳ dịch đã thành quy luật", bác sĩ Tình nói.
Mặt khác, phần lớn người dân chưa có ý thức vệ sinh môi trường khiến muỗi sinh sản, phát triển. Như tại Hai Bà Trưng - là quận nội thành cũ, mật độ dân số rất đông, dân cư có nhiều biến động. Nhiều sinh viên và lao động ngoại tỉnh đến đây thuê trọ, điều kiện về cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường nhiều hạn chế... Quận giáp ranh với địa phương có số ca sốt xuất huyết cao như Thanh Trì, Đống Đa. Đây là những điều kiện thuận lợi để dịch sốt xuất huyết bùng phát và lây lan nhanh.
Một số huyện như Đan Phượng, Thạch Thất... có nhiều khu công nghiệp và làng nghề, mật độ dân số đông, là cửa ngõ giao thương buôn bán. Người dân chưa chủ động làm vệ sinh môi trường, còn có thói quen trữ nước trong bể to để sử dụng nhưng không đậy nắp hoặc có nắp không kín.
Một số quận, huyện ven đô như Hoàng Mai, Thanh Trì trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng dang dở, có phế liệu phế thải chứa nước có bọ gậy; có các hộ gia đình trồng rau sạch trên sân thượng, trồng cây cảnh - là môi trường thuận lợi cho bọ gậy phát triển.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết thống kê các ca mắc năm 2022 đã vượt ngưỡng cảnh báo dịch. Thông thường, sốt xuất huyết tại Hà Nội đạt đỉnh vào tháng 11. Năm nay tình hình dịch diễn biến phức tạp, Sở Y tế dự báo tiếp tục ghi nhận số mắc mới ở mức cao, nguy cơ nhiều ca nặng và tử vong.
Bác sĩ Tình khuyến cáo người dân không chủ quan với sốt xuất huyết. Khi có triệu chứng sốt cao, thuốc hạ sốt không có tác dụng, hoặc ho, đau mỏi cơ thể, nên đến bệnh viện khám ngay. Về mặt bệnh lý, sốt xuất huyết diễn biến khoảng hơn một tuần. Ban đầu, bệnh nhân sốt cao liên tục trong vòng 6 ngày, kèm đau mỏi người và cơ. Từ ngày 3 đến 7, tiểu cầu giảm dần, máu cô đặc, bệnh nhân có thể bị chảy máu niêm mạc, nội tạng, rối loạn đông máu, có thể sốc sốt xuất huyết.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết, chủ yếu là trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong số các dấu hiệu: Xuất huyết niêm mạc, ví dụ răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít, giảm nhiều; tràn dịch đa màng ví dụ phổi, bụng...
Đại diện CDC Hà Nội cho biết tiếp tục các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, đặc biệt ở nơi đã xuất hiện ổ dịch, có ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao. Người dân được khuyến cáo diệt bọ gậy, muỗi truyền bệnh, vệ sinh môi trường sống.
Chi Lê