Theo Trung tâm siêu máy tính quốc gia ở Thiên Tân, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) trên máy tính Tianhe-1 có thể phân tích hàng trăm hình ảnh được tạo ra bằng chụp cắt lớp vi tính (CT) và đưa ra chẩn đoán trong khoảng 10 giây.
"Độ chính xác của chẩn đoán này cao hơn 80% và cải thiện mỗi ngày.", một nhân viên tại trung tâm nói.
Tiến sĩ Xu Bo của Đại học Thiên Tân, trưởng nhóm dự án, cho biết: "Độ chính xác của hệ thống ban đầu là khá kém. Nhưng nhóm nghiên cứu đã làm việc suốt ngày đêm để huấn luyện máy sử dụng thông tin mới nhất và kinh nghiệm thực hành lâm sàng từ các bác sĩ có kinh nghiệm trong cuộc chiến chống Covid-19".
Khi số lượng mẫu tăng lên, hiệu suất của AI đã cải thiện đáng kể và đang hỗ trợ các đội y tế chống lại nCoV tại hơn 30 bệnh viện ở Vũ Hán và các thành phố khác.
Xu nói rằng sẽ một bác sĩ có kinh nghiệm phải mất khoảng 15 phút để xem qua 300 hình ảnh được tạo bởi máy chụp CT, trong khi AI thực hiện công việc trong khoảng 10 giây. Hệ thống này có thể được truy cập thông qua máy tính hoặc thậm chí là điện thoại di động.
Kết quả có thể giúp các chuyên gia y tế, đặc biệt những khu vực thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm hoặc số ca nghi nhiễm tăng đột biến có thể nhanh chóng phân biệt giữa bệnh nhân bị nhiễm nCoV và những người mắc bệnh viêm phổi thông thường.
Hệ thống này có giao diện tiếng Anh và dùng các màu sắc để khoanh tròn các điểm đáng chú ý trong hình phổi của bệnh nhân, giúp bác sĩ dễ dàng nhận biết. Nó còn đưa ra tư vấn về những việc cần làm tiếp theo, dựa trên kinh nghiệm và bài học từ các bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân nCoV.
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, các bác sĩ Trung Quốc đã chỉ ra rằng chụp CT là một công cụ đáng tin cậy vì phổi của bệnh nhân nCoV có các đặc điểm nhận diện phân biệt với các bệnh khác. Vì vậy chính quyền Trung Quốc đã áp dụng phương pháp này trong chẩn đoán, sàng lọc bệnh nhân nCoV
Nhưng không phải tất cả các nước đều đồng ý với phương pháp đó. Ví dụ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, hiện không đề xuất CXR (chụp X-quang ngực) hoặc CT để chẩn đoán Covid-19. Họ cho rằng việc sử dụng máy chụp CT sẽ tăng khả năng lây nhiễm cho các bệnh nhân và nhân viên khác, tốn nhiều thời gian để khử trùng.
Một bác sĩ làm việc tại một bệnh viện Bắc Kinh đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cho biết máy CT có thể quét hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày ở Trung Quốc, nhưng do các phương thức khác nhau ở một số nước phương Tây, con số ở đó chỉ ở mức một đến hai ca mỗi ngày.
"Chính phủ không nên loại bỏ việc chụp CT ra ngoài cuộc chiến chống nCoV bùng phát. Nếu bạn không thể thực hiện xét nghiệm cho bệnh nhân hãy dùng máy để quét hình ảnh", bác sĩ này cho biết.
Đến sáng 14/3, Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng trên 145 quốc gia và vùng lãnh thổ với 11.056 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm lên 145.632, số người đã hồi phục là 72.528. Các ca nhiễm mới tập trung ở Italy, Tây Ban Nha, Iran, Đức, Pháp và Mỹ.
Tây Ban Nha và Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc. WHO tuyên bố châu Âu là tâm dịch. Trong khi đó tại Trung Quốc, số ca nhiễm mới giảm đáng kể, ngày 14/3 ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới.
Lê Cầm (Theo SCMP)